10 năm một chặng đường: Khẳng định vai trò là công cụ đặc biệt trong xử lý nợ xấu
Những thành tựu sau 1 thập kỷ
Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, áp lực nợ xấu gia tăng. Chính vì thế, NHNN đã xây dựng các Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013. Trên cơ sở đó, ngày 27/6/2013, NHNN ban hành Quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với sứ mệnh là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Lễ ra mắt Câu lạc bộ AMC |
Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo sát sao của NHNN, với nỗ lực của Ban Lãnh đạo cùng các cán bộ nhân viên, VAMC đã vừa học hỏi, vừa làm, từng bước áp dụng và hoàn thiện các nghiệp vụ theo quy định. Các vấn đề vướng mắc về pháp lý về cơ bản đã dần được tháo gỡ. Trên cơ sở đó, VAMC đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý nhanh, dứt điểm, có hiệu quả nợ xấu. Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, VAMC đã nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ và NHNN tin tưởng giao phó.
Qua gần 10 năm hoạt động, VAMC luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, với kết quả mua nợ lũy kế đến 15/12/2022 là hơn 27 nghìn khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của 17 nghìn khách hàng với giá mua nợ hơn 377 nghìn tỷ đồng và tổng dư nợ gốc nội bảng hơn 410 nghìn tỷ đồng; mua 387 khoản nợ xấu theo giá trị thị trường của 197 khách hàng, với giá mua nợ hơn 11.900 tỷ đồng và dư nợ gốc nội bảng hơn 11.800 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD về dưới 3%. VAMC đã xử lý được hơn 320 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, đạt 78% tổng số dư nợ gốc đã mua.
Nhờ tác động tích cực từ Nghị quyết 42/2017/QH14 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá khoản nợ/tài sản bảo đảm do VAMC trực tiếp thực hiện cũng được đẩy mạnh theo hướng tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Lũy kế từ năm 2018 (năm đầu tiên VAMC thực hiện đấu giá) đến nay, công ty đã tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng số tiền trúng đấu giá đạt hơn 2.500 tỷ đồng. VAMC đã tích cực phối hợp với tòa án, cơ quan thi hành án các cấp hỗ trợ các TCTD trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản bảo đảm và khoản nợ, hỗ trợ TCTD tiến hành khởi kiện, đôn đốc thu hồi nợ đối với các khách hàng. Công ty là đơn vị đầu tiên trong ngành Ngân hàng triển khai thực hiện văn bản phối hợp giữa NHNN và Bộ Tư pháp thông qua làm việc với Tổng cục Thi hành án.
Vai trò trung tâm trong thị trường mua bán nợ
Cùng với việc thúc đẩy hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, VAMC đã tăng cường, củng cố vai trò của mình trên thị trường mua, bán nợ tại Việt Nam, thông qua thành lập, vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC và thúc đẩy hoạt động của Câu lạc bộ Xử lý nợ (AMC).
Sàn giao dịch nợ VAMC khai trương và đưa vào hoạt động tháng 10/2021, góp phần minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu TSBĐ, thúc đẩy thanh khoản thị trường, hướng tới mục tiêu đưa VAMC trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của các TCTD. Mặc dù mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng Sàn giao dịch nợ VAMC đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, đã có 153 thành viên đăng ký tham gia; cung cấp dịch vụ môi giới thông qua 18 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, TSBĐ với giá trị hơn 32 nghìn tỷ đồng; thực hiện dịch vụ tư vấn với 7 hợp đồng tư vấn khoản nợ với giá trị 139 tỷ đồng.
Với vai trò là đơn vị chủ trì đề xuất và vận động thành lập, VAMC luôn tích cực, chủ động điều phối hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ AMC. Đến tháng 12/2022, Câu lạc bộ AMC đã thu hút, duy trì 23 hội viên từ các AMC của các TCTD Việt Nam và 2 hội viên liên kết là Công ty OK DTC và Welcome DTC. Trong thời gian qua, Câu lạc bộ AMC dần trở thành diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong hoạt động mua bán xử lý nợ; thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức mua bán xử lý nợ ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, VAMC luôn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, thiết lập mối quan hệ với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, thống nhất hợp tác toàn diện về xử lý nợ xấu với một số TCTD và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, VAMC cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác với nhiều đối tác, nhà đầu tư nước ngoài như Kamco (Công ty quản lý tài sản của Hàn Quốc), SAM (Công ty quản lý tài sản của Thái Lan), trở thành thành viên chính thức và tham gia tích cực các hoạt động của Hiệp hội xử lý nợ công Châu Á (IPAF); tích cực trao đổi tại các diễn đàn quốc tế; hợp tác và tạo điều kiện tiếp cận thông tin cho các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về mô hình công ty quản lý tài sản với Ngân hàng CHDCND Lào; tham gia Dự án hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực Ngân hàng Việt Nam do SECO tài trợ uỷ thác qua World Bank… Ngoài ra, VAMC cũng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, tọa đàm về xử lý nợ xấu; tổng hợp các ý kiến của hội viên và báo cáo đề xuất các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam…
Sau gần 10 năm thành lập, hoạt động tài chính của VAMC đã đạt được nhiều kết quả nổi bật đáng ghi nhận, hoàn thành các chỉ tiêu giám sát tài chính hàng năm của NHNN. Mặc dù là đơn vị hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng VAMC luôn tích cực phấn đấu, kinh doanh hàng năm đều có lãi và ngày càng hiệu quả. Hàng năm VAMC đều được xếp loại A.
Chinh phục những mục tiêu sắp tới
Tiếp nối những thành công đạt được trong 10 năm qua, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đồng thời góp phần xử lý nhanh nợ xấu, hỗ trợ các TCTD trong quá trình tái cơ cấu; triển khai tích cực Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được NHNN phê duyệt, thời gian tới, VAMC tiếp tục hoàn thiện tổ chức, tập trung phát triển các nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực trong hoạt động xử lý nợ; đồng thời phát triển thị trường mua bán nợ mà trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm. VAMC sẽ tích cực đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ mới, tăng cường hoạt động theo nguyên tắc thị trường đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tăng tính bền vững trong hoạt động của VAMC.
Tập thể cán bộ nhân viên VAMC tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng; khơi dậy ý thức tự giác, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực hoạt động; nâng cao ý thức trách nhiệm, huy động sức mạnh tập thể, trí tuệ sáng tạo của mỗi cán bộ, nhân viên VAMC; tăng cường đoàn kết và phối hợp chặt chẽ, đồng lòng thực hiện hành động, quản trị hiệu quả nhằm đảm bảo đạt được mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tin tưởng rằng trên nền tảng vững chắc từ những thành công bước đầu, VAMC sẽ tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới, phấn đấu hoàn thành vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam, góp phần vào công cuộc xử lý nợ xấu của nền kinh tế nói chung và sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng.