3 đột phá để có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, doanh nhân cống hiến
Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. |
Việt Nam có nhiều thương hiệu gây tiếng vang trên thế giới
Chiều ngày 15/9/2022, tại VCCI, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đã có buổi làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“Khi đất nước căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tác động bất lợi từ bối cảnh quốc tế, doanh nhân Việt Nam cũng chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn”, Trưởng Ban Kinh tế trung ương phát biểu, đồng thời bày tỏ niềm tự hào khi thấy đội ngũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn.
“Chúng ta đã có 6 doanh nhân lọt vào top tỷ phú USD toàn cầu năm 2021. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới...”, đồng chí Trần Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, một bộ phận đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng đã linh hoạt, chủ động, nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới, tìm kiếm những hướng đi mới từ những cơ hội do quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Khu vực doanh nghiệp hiện đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; có trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với cộng đồng xã hội, đặc biệt qua dịch Covid-19 thể hiện rất rõ.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ mong muốn Việt Nam xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
3 đột phá để có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, doanh nhân cống hiến
Các doanh nhân và đại diện các doanh nghiệp đã bày tỏ những suy nghĩ, mong muốn thời gian tới tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc và vươn xa hơn nữa.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh suy tư: Doanh nhân Việt Nam luôn luôn là đại sứ chính thống của đất nước để đưa sản phẩm ra nước ngoài, nhưng hiện tại thì việc đó còn hạn chế. Ngoài Viettel là đại diện doanh nghiệp nhà nước và VinFast là tập đoàn tư nhân rất lớn thì các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam của doanh nhân đại diện ra nước ngoài còn nhiều hạn chế.
Đa số doanh nhân hiện nay vẫn thích làm cái gì dễ và trong phạm vi đất nước. Cộng đồng doanh nhân chọn xuất khẩu luôn luôn ít hơn cộng đồng doanh nhân chọn nội địa.
“Tôi nghĩ cần có truyền thông hỗ trợ để doanh nhân coi thị trường nước ngoài như thị trường trong nước. Làm sao người Việt ở trong nước được dùng những sản phẩm bằng hoặc cao hơn ở nước ngoài”, ông Trần Việt Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng: Nếu chúng ta chỉ tăng trưởng về quy mô mà không tìm ra giải pháp để tăng năng suất lao động ngang tầm với các công ty trên toàn cầu thì sớm muộn chúng ta cũng ra khỏi chuỗi toàn cầu. Ví dụ như trong ngành thời trang, một người lao động đi làm trung bình một năm phải tạo ra năng suất lao động tổng hợp trung bình 20-25.000 USD thì mới đảm bảo đời sống, đảm bảo được năng lực cạnh tranh, đảm bảo được dòng tiền quay về tái cấu trúc...
Một thực tế là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã khẳng định, ghi nhận vai trò ngày càng quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt, lực lượng doanh nghiệp Việt. Nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành. Nhưng việc cụ thể hóa, thể chế hóa một số đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm.
Hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn chứa đựng nhiều điểm hạn chế, vướng mắc và cản trở phần nào quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp… Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều khía cạnh hạn chế.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, thì cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, chú trọng 3 giải pháp đột phá.
Thứ nhất, đề nghị hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư và hệ thống chính sách, pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.
Thứ hai, khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.
Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, điện kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…