5 nạn nhân lớn của cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi
Những áp lực này đã góp phần phơi bày những điểm yếu tại nhiều thị trường mới nổi, đặc biệt là sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn rất dễ đảo chiều khi đồng nội tệ giảm giá trị.
Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm gần 10% kể từ đầu năm |
Hiện 5 nền kinh tế phát triển lớn trên thế giới đang cảm thấy sức nóng:
Thổ Nhĩ Kỳ
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị vùi dập bởi căng thẳng trong quan hệ với Mỹ, sự nhầm lẫn chính sách kinh tế và động thái tăng lãi suất của Fed. Tính chung đồng lira đã giảm hơn 40% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay.
Sự sụt giảm của đồng lira đã khiến cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ và các công ty rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn, dẫn tới sự sụt giảm mạnh trong chi tiêu tiêu dùng và niềm tin của doanh nghiệp.
“Không có cách nào để thoát khỏi thực tế là nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua một cuộc suy thoái sâu”, Jason Tuvey – Nhà kinh tế thị trường mới nổi cao cấp tại công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết trong một lưu ý cho các khách hàng trong tuần này.
Argentina
Đồng peso của Argentina đã giảm hơn một nửa giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm. Khi đồng tiền tiếp tục lao dốc một lần nữa trong tuần trước, Chính phủ Argentia đã buộc phải khẩn cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói cứu trợ 50 tỷ USD.
NHTW của Argentina hôm 30/8 cũng đã phải một lần nữa tăng mạnh lãi suất cơ bản từ 45% lên mức cao kỷ lục 60% trong một nỗ lực để khuyến khích các nhà đầu tư nắm giữ đồng peso của mình. Cơ quan này cũng cho biết có kế hoạch giữ lãi suất ở mức đó cho đến khi ít nhất là tháng 12, thậm chí một số nhà phân tích cho rằng họ sẽ không cắt giảm cho đến giữa năm sau.
Nhưng động thái bất thường trên không thể ngăn chặn sự sụp đổ của đồng peso. Hiện gần 70% số nợ của chính phủ Argentina là bằng ngoại tệ, theo Moody’s. Điều đó sẽ khiến quốc gia Nam Mỹ này khó khăn hơn bao giờ hết trong việc trả nợ khi đồng peso sụp đổ.
Ấn Độ
Đồng rupee của Ấn Độ đạt mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD trong phiên giao dịch cuối tuần trước trong bối cảnh tài sản của các thị trường mới nổi bị bán tháo. Tính chung đồng rupee của Ấn Độ đã giảm gần 10% kể từ đầu năm.
Mặc dù Ấn Độ vẫn là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nhưng nền kinh tế này cũng đang phải đối mặt với những cơn gió ngược nghiêm trọng. Việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng khiến Ấn Độ trở nên dễ bị tổn thương do giá dầu tăng cao, đó là lạm phát tăng nhanh.
Ngoài ra cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu và Fed tăng lãi suất đã làm cho tài sản định giá bằng đồng rupee và đồng tiền của các thị trường mới nổi, trong đó có đồng rupee, trở nên kém hấp dẫn.
Brazil
Bất ổn chính trị đang đè nặng lên đồng real của Brazil trong những tháng gần đây. Kể từ đầu năm đến nay, đồng real đã giảm 20% giá trị so với đồng USD.
Hiện các nhà đầu tư đang lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào tháng 10. Họ đang hy vọng Brazil sẽ bầu ra một nhà lãnh đạo ủng hộ kinh doanh, người có thể thực hiện các cải cách tài chính lớn như cắt giảm thâm hụt ngân sách của nước này.
Nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, nhiều ứng cử viên cánh tả như cựu lãnh đạo Luiz Inacio Lula da Silva vẫn đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
“Việc chưa chắc chắn rằng một ứng cử viên thân thiện với đầu tư sẽ thắng đã đè nặng lên tài sản của nước này”, Gustavo Rangel - Nhà kinh tế trưởng Mỹ Latinh tại ngân hàng đầu tư ING đã viết trong một báo cáo gần đây. Tuy nhiên ông cho rằng, NHTW Brazil có rất năng lực dưới hình thức dự trữ ngoại hối để chống lại sự suy yếu hơn nữa của đồng tiền, nếu cần.
Nga
Đồng rúp của Nga đã “sụp đổ” trong những tháng gần đây khi đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế, đồng tiền này đã giảm khoảng 15% so với đồng USD kể từ đầu năm.
Nga đã rơi vào tình cảnh khó khăn trong nhiều năm bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine. Khó khăn càng chồng chất sau khi Mỹ trừng phạt một số cá nhân và công ty của Nga.
Bên cạnh đó, giống như nhiều quốc gia khác, Nga cũng bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới của Mỹ đối với thép và nhôm. Chưa hết, các nhà đầu tư lo ngại rằng nhiều biện pháp trừng phạt hơn có thể đang được tiến hành, bao gồm các biện pháp nhằm vào các ngân hàng và các công ty năng lượng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng giá dầu tăng trong năm nay sẽ bù đắp phần lớn thiệt hại từ đồng rúp suy yếu.