Agribank nỗ lực vượt khó, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh
Năm hành động và chia sẻ tối đa với khách hàng
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Phạm Đức Ấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank nhấn mạnh, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, nợ công tăng mạnh, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khu vực. Trong bối cảnh đó, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thành tốt nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, thể hiện rõ nét vai trò gương mẫu đi đầu của một ngân hàng thương mại Nhà nước lớn trong tuân thủ pháp luật, thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN; tích cực đồng hành và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, Agribank đã hoàn thành toàn diện và vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra |
Báo cáo cụ thể về giải pháp, kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024, đồng chí Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng cũng như hoạt động kinh doanh của Agribank; trước những khó khăn nhiều hơn so với dự báo, Agribank xác định năm 2023 là năm hành động, chia sẻ tối đa cùng khách hàng vượt qua khó khăn. Trên cơ sở đó, Agribank tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, Agribank triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 200 ngàn tỷ đồng, 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, tích cực tham gia các Hội nghị kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn. Cùng với thúc đẩy tăng trưởng, chất lượng tín dụng cũng được đặc biệt chú trọng, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Agribank khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Agribank tiếp tục tập trung phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh đa dịch vụ theo định hướng phát triển ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng dịch vụ hàng đầu với phương châm "lấy khách hàng làm trung tâm". Agribank mở rộng kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 2.300 đối tác mới là các Tập đoàn, Tổng công ty, các trường học, bệnh viên, Công ty Fintech, các sàn thương mại điện tử, ví điện tử… với số lượng giao dịch đạt trên 45 triệu giao dịch, tổng giá trị giao dịch đạt 60 ngàn tỷ đồng, góp phần tích cực phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, là ngân hàng có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số Ngành Ngân hàng.
Nhờ phát huy sức mạnh toàn hệ thống, đoàn kết, nỗ lực tối đa, triển khai đồng bộ các giải pháp, Agribank vượt qua khó khăn, tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông". Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước.
Uy tín, thương hiệu của Agribank tiếp tục được khẳng định thông qua sự đánh giá, ghi nhận, vinh danh của các tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế. Fitch Ratings nâng xếp hạng Nhà phát hành Dài hạn của Agribank lên mức “BB+” với triển vọng “Ổn định”, tương đương xếp hạng quốc gia. Tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance xếp hạng Agribank - Top 10 thương hiệu ngân hàng Việt Nam trong 500 thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất thế giới…
Với những thành tích xuất sắc trong công tác cho vay, phát triển kinh tế nông nghiệp, Agribank vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu đối lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong 35 năm xây dựng và phát triển.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Thịnh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy báo cáo tổng kết năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đảng bộ Agribank. Năm 2023, Agribank triển khai Đảng bộ toàn ngân hàng theo Quyết định số 1156-QĐ/ĐUK ngày 01/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc thành lập Đảng bộ toàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Bám sát các định hướng, chỉ đạo triển khai của cấp trên, Đảng ủy, Ban lãnh đạo đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác, lãnh đạo toàn hệ thống tập trung tối đa mọi nguồn lực, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra, kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện các định hướng của Chính phủ, NHNN, Đảng ủy Khối DNTW bằng các giải pháp phù hợp thực tiễn, đảm bảo hiệu quả tài chính, hoạt động ổn định, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, nhận định tình hình thực tế để có các quyết sách phù hợp, hiệu quả. Các đơn vị tham mưu đã nỗ lực, chủ động tham mưu, cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ vào chương trình công tác năm 2023 của cấp ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng được triển khai nghiêm túc.Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn phát huy trách nhiệm xã hội của “Ngân hàng vì cộng đồng”. Từ nguồn tài chính của mình và sự hưởng ứng của gần 4 vạn cán bộ, người lao động toàn hệ thống, trong năm 2023, Agribank đã dành hơn 500 tỷ đồng cho các chương trình an sinh, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; khắc phục hậu quả thiên tai…
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phát huy trí tuệ tập thể để có nhiều quyết sách, giải pháp phù hợp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Đức Ấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV khẳng định, trong năm 2023 bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Khối DNTW, NHNN, Agribank đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, trách nhiệm với khách hàng. Nhờ đó, Agribank đã hoàn thành toàn diện và vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, năm 2023, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021 - 2023 tối đa là 17.100 tỷ đồng. Ngày 28/12/2023, Agribank đã được cấp 6.753 tỷ đồng vốn điều lệ, theo đó, vốn điều lệ hiện nay đạt 41.269 tỷ đồng. Qua đó, giúp nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, góp phần tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, mở rộng hoạt động kinh doanh. “Có thể nói vấn đề tăng vốn của Agribank là hết sức khó khăn do là doanh nghiệp nhà nước. Việc được Quốc hội thông qua chủ trương tăng hơn 17 nghìn tỷ đồng cho tháy các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao vai trò, đóng góp lớn cho nền kinh tế của Agribank trong thời gian qua. Việc được tăng thêm vốn giúp ngân hàng đảm bảo an toàn vốn cho đến năm 2025, tránh vi phạm hệ số CAR”, ông Phạm Đức Ấn chia sẻ thêm.Mặc dù nhiệm vụ năm 2024 là hết sức nặng nề, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của ĐUK DNTW, NHNN và các ban, bộ, ngành, cùng sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng cao nhất của toàn hệ thống, Agribank sẽ phấn đấu tiếp tục hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2024.
Nhiều tập thể đơn vị được trao tặng danh hiệu thi đua vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2023 |
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Agribank tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là triển khai hoạt động kinh doanh năm 2024 theo Quy chế, Quy định mới về xây dựng, tổ chức thực hiện KHKD gắn với triển khai cơ chế FTP, bám sát các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, điều hành CSTT, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN, đảm bảo tính tích cực và tạo động lực cho các đơn vị, cá nhân, tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định; phấn đấu nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành toàn diện các mục tiêu KHKD năm 2024 được NHNN, HĐTV giao;
Triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng, cải tiến quy trình, thủ tục cấp tín dụng phù hợp với từng sản phẩm tín dụng gắn với cơ cấu lại tài sản có tổng thể trên cơ sở nâng cao hiệu quả và cạnh trạnh; khuyến khích khách hàng ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường; Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan;
Xây dựng, triển khai đồng bộ các chương trình, sản phẩm tiền gửi theo từng đối tượng khách hàng, gắn liền với khả năng tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn; Giữ vững thị phần tiền gửi dân cư, duy trì ổn định, phát triển quan hệ giao dịch với khách hàng tổ chức; Điều hành huy động vốn linh hoạt, kết hợp đồng bộ với công tác kế hoạch và điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm tối ưu hoá cân đối vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, hỗ trợ có hiệu quả cho công tác điều hành lãi suất;
Kiểm soát nợ tiềm ẩn, phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; tập trung nguồn lực, cơ chế và các biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn sớm ngay từ đầu năm, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu theo kế hoạch NHNN giao. Tiếp tục nâng cao, củng cố vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo xử lý nợ các cấp; triệt để áp dụng các biện pháp để xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, nợ sau xử lý ở mức cao nhất...
“Toàn hệ thống Agribank tiếp nối kết quả năm 2023, vững tin bước sang năm 2024 với tinh thần và khí thế thi đua sôi, sẵn sàng tâm thế triển khai thành công Đề án chiến lược phát triển Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, cùng các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, lãnh đạo Agribank khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực cố gắng của Agribank. Với đặc thù ngân hàng 100% vốn nhà nước, bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh, Agribank đã nghiêm túc thực hiện tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Đặc biệt là trong hoạt động cho vay và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn và đã có những đóng góp rất quan trọng vào kết quả chung của Ngành.
Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới, trong nước sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức và hoạt động của hệ thống ngân hàng tiếp tục phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, để góp phần cùng toàn ngành Ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Phó Thống đốc đề nghị tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của NHTM Nhà nước phục vụ đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; quan tâm đến vấn đề nợ xấu; hiện đại hóa công nghệ...
Tại Hội nghị, Agribank cũng trao tặng danh hiệu thi đua cho các tập thể đơn vị có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Một số chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu - Tổng tài sản: Tăng phù hợp với tăng trưởng nguồn vốn (bao gồm cả nguồn vốn thị trường 1 và thị trường 2). - Vốn huy động thị trường 1: Tăng từ 5% - 8%, điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng dư nợ. - Dư nợ cho vay nền kinh tế: Tăng từ 7% - 10%, phù hợp với kế hoạch được NHNN phê duyệt. - Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn: Phấn đấu 65%. - Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN dưới 2%; tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn dưới 2%, phấn đấu dưới 1,5%. - Thu nợ đã XLRR: tối thiểu 10.000 tỷ đồng. - Trích lập DPRR: dự kiến 20.000 tỷ đồng. - Thu dịch vụ (không gồm thu ròng kinh doanh ngoại tệ của Trung tâm KDV&TT tại cân đối 1000): 8.400 tỷ đồng. |