Ai nắm giữ… bầu trời
Sự kiện Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản - ANA Holdings Inc. cuối tháng 5 vừa qua mua lại hơn 8,7% cổ phần của Vietnam Airlines - VNA và trở thành cổ đông chiến lược của tập đoàn này khiến giới đầu tư ngành hàng không trong nước đặc biệt quan tâm.
Sự quan tâm của giới đầu tư không chỉ vì một phần “miếng bánh” béo bở của hàng không trong nước lọt vào tay người Nhật mà còn vì sự kiện này báo hiệu một bước chuyển mới cho ngành hàng không vốn từ 2-3 năm trở lại đây đã được các NĐT xếp hàng đăng ký góp vốn.
Thực tế, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam bắt đầu sôi động từ cuối năm 2014, khi VNA chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để thực hiện cổ phần hóa. Thời điểm này hàng loạt các NĐT trong và ngoài nước đã xếp hàng chờ đợi được hợp tác đầu tư.
Ở phía các NHTM trong nước, lần lượt các đơn vị như Vietcombank, BIDV, Techcombank, HDBank… ra thông báo sẽ tận dụng mọi cơ hội để sở hữu cổ phiếu của VNA. Trong khi đó, các DN lớn ngành xây dựng, xuất nhập khẩu như: Công ty XNK Liên Thái Bình Dương, CTCP Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO, Tổng công ty 319, CTCP Đầu tư Vina – Invest… cũng lần lượt ra quyết tâm săn đón cổ phiếu của “anh cả” ngành không vận Việt.
Ở phía các NĐT nước ngoài, các hãng hàng không lớn của Pháp và Singapore là Aeroports de Paris và Changi Airport International đều đặt mục tiêu thâu tóm khoảng 20% cổ phần của VNA. Các tập đoàn này thực tế đã vượt qua “vòng loại” để vào vòng đàm phán trở thành cổ đông chiến lược của VNA vào thời điểm tháng 1/2016. Tuy nhiên, lựa chọn của VNA vào cuối tháng 5 vừa qua đã dành cho tập đoàn hàng không số 1 Nhật Bản với mức đầu tư 108 triệu USD.
Phân tích của giới chuyên gia cho thấy rằng, sức hấp dẫn của ngành hàng không Việt Nam không phải nằm ở chỗ giá trị của các tập đoàn trong nước mà chủ yếu đến từ những món lợi khổng lồ từ hợp tác chiến lược.
Trên thực tế, hiệu quả kinh doanh của hãng hàng không quốc gia Việt Nam trong những năm qua rất thấp. Lợi nhuận từ doanh thu 50.000 tỷ đồng của VNA hàng năm chỉ dao động từ vài chục đến hơn 100 tỷ đồng. Thậm chí trong một số năm tập đoàn này còn thua lỗ (chẳng hạn năm 2012, VNA lỗ 64 tỷ đồng).
Tuy nhiên, các NĐT, đặc biệt là các NHTM rất muốn đầu tư vào hàng không bởi họ biết rằng với mức doanh thu 50-70 ngàn tỷ đồng, lượng khách hàng tiềm năng của VNA cực lớn, lượng tiền mặt lưu chuyển trong mỗi thời điểm lên đến con số vài nghìn tỷ đồng.
Như vậy, nếu hợp tác chiến lược với VNA, ngân hàng sẽ có một lượng khách khổng lồ để khai thác các sản phẩm tín dụng và dịch vụ tài chính.
Mở rộng ở cấp độ quốc gia, những tính toán của VNA cho thấy rằng trong giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu vốn để đầu tư vào hạ tầng ngành hàng không ước khoảng trên 26.200 tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng gần 7,8 ngàn tỷ đồng. Số còn lại phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ các DN để nâng cấp các nhà ga, sân đậu và mở rộng các dịch vụ kho vận.
Điều này cho thấy, lựa chọn đầu tư vào VNA thời điểm này của Tập đoàn Nhật là một bước đi khôn ngoan. Bởi sau khi buộc phải từ bỏ ý định đầu tư vào Myanmar, họ đã nhanh chóng chớp thời cơ tận dụng không phận Việt Nam để tăng cường mạng bay trong khu vực ASEAN nhằm củng cố vị trí chủ chốt trong vận tải hàng không tiểu vùng Việt Nam - Campuchia - Lào - Myanmar.
Lợi thế này, chính là bàn đạp để họ có thể bước thêm những chiến lược đầu tư mới vào thị phần hàng không Việt Nam khi mà các dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh)… đang nỗ lực gọi vốn từ các NĐT chiến lược.
Ngoài ra, với việc trở thành cổ đông khối ngoại đầu tiên, ANA Holdings Inc. có đủ thời gian để tạo dựng lợi thế tham gia đấu thầu trong các kế hoạch kêu gọi vốn cải tạo các sân bay đang thừa công suất như sân bay Chu Lai, Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc. Điều này sẽ làm gia tăng mức độ khốc liệt trong cạnh tranh đầu tư vào ngành hàng không trong giai đoạn tới.