An Giang: Hơn 3.400 tỷ đồng đầu tư chương trình OCOP
Tỉnh An Giang mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn năm 2023.
Theo đó, mục tiêu trong năm nay, tỉnh này sẽ đầu tư khoảng 3.415 tỷ đồng để hoàn thiện các quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, đồng thời cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình OCOP trên địa bàn, từ đó phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị và theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
An Giang phấn đấu đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có thêm từ 40-50 sản phẩm đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” đạt từ 3 sao trở lên và có ít nhất 10 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 4 sao trở lên. Song song đó, rà soát các sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng lại sau khi hết 36 tháng để đề xuất nâng hạng.
Được biết, tỉnh An Giang là một trong những địa phương đi đầu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc triển khai xây dựng và phát triển chuyên nghiệp hóa các mô hình OCOP.
Nhiều thương hiệu gạo đặc sản tại An Giang đạt chứng nhận OCOP 5 sao |
Đến cuối 2022, toàn tỉnh An Giang đã có khoảng gần 70 sản phẩm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có các sản phẩm, thương hiệu đặc thù đạt mức 5 sao cấp Quốc gia, như gạo thơm đặc sản Thiên Vương và gạo ngon Tiến vua Tiên Nữ (thuộc Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn).
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang, với nguồn kinh phí thực hiện chương trình OCOP năm nay, thời gian tới, các sở, ngành tại An Giang sẽ thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể kinh tế của các mô hình OCOP, lồng ghép chương trình OCOP với các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương.
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương khác tổ chức liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các mô hình OCOP tiếp cận với các kênh bán hàng, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.