An Giang: Ngân hàng tích cực cho vay tam nông
Luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành Ngân hàng An Giang tập trung hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào ngành hàng sản xuất chủ lực có thế mạnh tại địa phương như: lúa, gạo, thủy sản và trái cây đặc sản; chủ động tích cực cho vay doanh nghiệp chế biến lúa gạo, cá tra, trái cây tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng được quan tâm.
Toàn tỉnh hiện có 210 hợp tác xã nông nghiệp, 2 liên hiệp hợp tác xã và 1.087 tổ hợp tác đang hoạt động.
Cho vay chuỗi giá trị chế biến quả xoài. |
Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, có 93 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị lúa gạo, gắn kết với 166 doanh nghiệp. Đến cuối năm 2022, An Giang có 63 hợp tác xã nông nghiệp, 2 liên hiệp hợp tác xã và 180 tổ hợp tác tham gia 123.089 ha (nâng diện tích liên kết từ năm 2021-2022 lên hơn 206.000 ha).
Ngoài ra, An Giang còn có 33 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu là cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng (máy bay không người lái); trồng dưa lưới, rau màu trong nhà kín; canh tác (xoài, rau màu, lúa) theo tiêu chuẩn VietGAP...
Có 9 mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa; hợp tác xã nông nghiệp (Tây Phú, Vĩnh Bình, Chợ Vàm, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ đường Thốt Nốt Nhơn Hưng) thực hiện Đề án thí điểm hợp tác xã kiểu mới trong liên kết tiêu thụ; 7 doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh; 9 doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai dự án đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực với hợp tác xã, tổ hợp tác.
Với lĩnh vực lúa nếp, có 37 doanh nghiệp liên kết 47 hợp tác xã nông nghiệp và 237 tổ hợp tác, diện tích hơn 82.700 ha. Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đầu tư hỗ trợ 38 máy gặt đập liên hợp, 19 máy cày, 23 máy cuộn rơm, 70 máy bay phun xịt để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời, góp vốn, cử nhân sự công ty tham gia kinh doanh cùng hợp tác xã.
Nhằm tích cực chủ động hỗ trợ vốn tín dụng cho lĩnh vực kinh tế có thế mạnh chủ lực tại địa phương, ngành Ngân hàng An Giang đã tích cực huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để cho vay phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến 31/5/2023, kết quả huy động vốn đạt 65.188 tỷ đồng, tăng 3,39% so cuối năm 2022, trong đó số dư huy động vốn trên 12 tháng đạt 18.815 tỷ đồng, chiếm 28,86%/tổng vốn huy động.
Có được nguồn vốn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn chủ động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân đạt tổng dư nợ tín dụng là 106.111 tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2022; gồm dư nợ cho vay ngắn hạn là 83.011 tỷ đồng, chiếm 78,23%, dư nợ cho vay trung, dài hạn là 23.100 tỷ đồng, chiếm 21,77%. Trong đó, dư nợ cho vay bằng nội tệ là 104.310 tỷ đồng, chiếm 98,3%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ là 1.801 tỷ đồng, chiếm 1,7%.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 67.440 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng dư nợ, tăng 4,86% so với cuối năm 2022; trong đó dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 15.195 tỷ đồng, tăng 4,48% so với cuối năm 2022. Cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 13.457 tỷ đồng, tăng 3,16% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chế biến trái cây đạt 11.417 tỷ đồng, chiếm 10,77% tổng dư nợ.
Đoàn công tác Chính phủ và lãnh đạo tỉnh An Giang khảo sát vùng nghiên cứu lúa của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành của Tập đoàn Lộc Trời. |
Nhờ vốn vay ngân hàng trên địa bàn tích cực hỗ trợ đầu tư mà những năm qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng, từ sản xuất đến thu hoạch; chuyển giao tiến bộ kĩ thuật về nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kĩ thuật trong sản xuất; nhân rộng hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện: tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao. Trình độ sản xuất kinh doanh của nông dân từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng. Nhờ thực hiện nghị quyết “tam nông”, diện mạo nông thôn An Giang thay đổi rõ rệt; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương ngày càng được củng cố, nâng cao.
Để khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 255/KH-UBND về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục bám sát thực hiện nhiệm vụ và giải pháp tập trung đẩy mạnh hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, hệ thống ngân hàng An Giang tiếp tục tập trung tối đa các nguồn lực để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế địa phương, đặc biệt hướng dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển; khẩn trương thực hiện các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN để kịp thời có các giải pháp phù hợp hỗ trợ khách hàng; tiếp tục rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời triển khai có hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.