An Giang: Phát triển hơn 143.600 tài khoản ví điện tử
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh An Giang, thời gian vừa qua, thông qua chương trình Ngày hội mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt năm 2023 tổ chức tại TP. Long Xuyên, địa phương này đã vận động được nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia vào hoạt động thanh toán trực tuyến qua tài khoản ngân hàng và các ví điện tử liên kết.
Cụ thể, đến hiện nay trên địa bàn tỉnh An Giang đã có trên 1,71 triệu người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Thời gian qua, có khoảng 143.600 tài khoản ví điện tử được các doanh nghiệp viễn thông phát triển trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tính đến đầu tháng 7/2023, có khoảng 3.700 sản phẩm, nông sản hàng hóa được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại An Giang đưa lên các sàn thương mại điện tử như Posmart, Voso, Tiki và Shopee.
Các tổ chức tín dụng tại An Giang tích cực hỗ trợ người dân tham gia các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt |
Được biết, hoạt động chuyển đổi số trong giao dịch thương mại thời gian vừa qua được tỉnh đoàn tỉnh An Giang phát động rất mạnh mẽ trong các cấp chi đoàn tại địa phương. Tổ chức Đoàn tại An Giang đặt mục tiêu đến năm 2027, trên 60% thanh thiếu nhi toàn tỉnh được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện. Tối thiểu 50% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 70% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Ở cấp độ chính quyền cấp tỉnh, UBND tỉnh An Giang cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh này phấn đấu nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử lên mức 70%. Thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 60%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt trên 80%; Phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua, bán hàng; 100% đơn vị cung cấp điện, nước triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và tỷ lệ thanh toán khuyến khích đạt 70%; 100% đơn vị viễn thông chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 100% sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 70% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu khuyến khích 100% cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi giao dịch tại các kênh phân phối hàng hóa và thanh toán đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: chi trả lương, thanh toán tiền điện, nước; thanh toán hàng hóa, dịch vụ ăn uống; đóng phí, lệ phí; đồng thời khuyến khích 100% các đơn vị hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ hiện có chấp nhận thêm phương thức thanh toán điện tử.