An Giang: Tín dụng chính sách cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh
Đẩy mạnh cho vay
Đáng chú ý, khi được bổ sung tổng nguồn vốn 587 tỷ đồng hỗ trợ 6 chương trình, kết quả thực hiện đến ngày 15/12/2023, tổng dư nợ theo Nghị quyết 11 của NHCSXH tỉnh đạt 557,5 tỷ đồng với 8.651 khách hàng được vay vốn. Trong đó, cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP) với doanh số cho vay từ năm 2022 đến nay đạt 390 tỷ đồng, với 7.681 lượt khách hàng vay vốn, giải quyết việc làm cho 8.000 lao động tại địa phương. Dư nợ cho vay đến 15/12/2023 đạt 390 tỷ đồng, chiếm 67% nguồn vốn của Nghị quyết 11, dư nợ cho vay bình quân 50,7 triệu đồng/lao động.
Từ nguồn vốn vay hỗ trợ của tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm cho người lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, duy trì, phát triển và bảo tồn các ngành nghề truyền thống tại địa phương.
Về cho vay chương trình nhà ở xã hội (Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP) với doanh số cho vay từ năm 2022 đến nay đạt 150,7 tỷ đồng cho 361 lượt khách hàng vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở hoặc mua nhà ở xã hội thuộc các dự án trên địa bàn tỉnh. Dư nợ cho vay đến 15/12/2023 đạt 150,7 tỷ đồng, chiếm 25,5%/tổng nguồn vốn của Nghị quyết 11, với 361 hộ còn dư nợ. Bình quân dư nợ cho vay đạt 415 triệu đồng/hộ. Chương trình cho vay nhà ở xã hội đã tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có điều kiện sở hữu được căn nhà để ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Đối với chương trình cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến (Quyết định 09/2022/QĐ-TTg) với doanh số cho vay từ năm 2022 đến nay là 5,2 tỷ đồng với 419 lượt hộ vay vốn. Đến nay dư nợ cho vay còn 4,6 tỷ đồng, với 386 hộ còn dư nợ. Đồng thời, thực hiện cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 dư nợ cho vay đến nay còn 55 triệu đồng, với 11 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay này đã tạo điều kiện cho khách hàng sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Đặc biệt đã hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên có máy tính học tập trực tuyến không bị gián đoạn trong học tập.
Về cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, số tiền đã giải ngân đạt 11,6 tỷ đồng, với 212 khách hàng vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất. Từ nguồn vốn vay này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đặc biệt, việc thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%, đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm tại NHCSXH tỉnh theo quy định tại Nghị định 36/2022/NĐ-CP. Định kỳ hàng tháng NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch cấp huyện đều thực hiện niêm yết công khai sao kê danh sách khách hàng được hỗ trợ lãi suất tại các điểm giao dịch xã/thị trấn công khai, minh bạch.
Kết quả từ ngày 1/1/2022 đến 31/10/2023, NHCSXH tỉnh đã giải ngân số tiền 2.164.020 triệu đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt 39.168 triệu đồng, với 67.353 món vay được hỗ trợ lãi suất, trong đó năm 2022 là 11.021 triệu đồng với 39.743 món, bình quân mỗi khách hàng được hỗ trợ số tiền lãi suất là 582.000 đồng. Các khách hàng vay vốn có đủ điều kiện đều được hỗ trợ lãi suất kịp thời, đảm bảo khách quan, minh bạch, không bị lợi dụng và trục lợi chính sách.
Giải pháp và đề xuất
Hoạt động tín dụng chính sách của ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác từ đó đã tạo điều kiện để tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng thụ hưởng và trả nợ tốt.
Đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách tại ngân hàng đạt 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó nguồn vốn ủy thác của địa phương chỉ chiếm 5,9% tổng nguồn vốn (294 tỷ đồng) còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm từ 10 - 12% tổng nguồn vốn theo Kế hoạch số 678/KH-UBND ngày 4/8/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Để tạo điều kiện cho người dân tiếp tục thực hiện phương án sản xuất kinh doanh và NHCSXH tỉnh có đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong thời gian tới, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục trình Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung nguồn vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2024 và 2025 mỗi năm từ 80-100 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, đặc biệt đối với các lao động trở về địa phương do thất nghiệp tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển các ngành nghề, tạo sinh kế ổn định và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần nâng mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên mức 25 triệu đồng/công trình để phù hợp với chi phí xây dựng thực tế hiện nay.