Áp dụng xác thực sinh trắc học để bảo vệ khách hàng
Ví điện tử MoMo cảnh báo người dùng không cung cấp mã xác thực OTP |
Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải triển khai áp dụng các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thanh toán trực tuyến như sau: Đối với khách hàng cá nhân, trước khi thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất phải xác thực khách hàng bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng. Các dấu hiệu sinh trắc học này phải khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan Công an cấp; Hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; Hoặc bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, kết hợp với phương thức xác thực OTP gửi qua SMS/Voice hoặc Soft OTP/Token OTP.
Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, kết hợp với phương thức xác thực OTP gửi qua SMS/Voice |
Các TCTD có trách nhiệm thông báo việc đăng nhập lần đầu ứng dụng Internet Banking/ Mobile Banking hoặc việc đăng nhập ứng dụng Internet Banking/ Mobile Banking trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện đăng nhập ứng dụng Internet Banking/ Mobile Banking lần gần nhất qua SMS hoặc các kênh khác do khách hàng đăng ký (email, điện thoại,…). Việc lưu trữ thông tin về thiết bị thực hiện các giao dịch trực tuyến của khách hàng và nhật ký (log) xác thực giao dịch tối thiểu trong vòng 3 tháng.
NHNN cũng yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ phải triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro như sau: Thông báo giao dịch qua tin nhắn SMS hoặc thư điện tử; Thiết lập hạn mức giao dịch trong ngày; Thiết lập tính năng cho phép/ không cho phép thanh toán trực tuyến; Thiết lập hạn mức thanh toán thẻ trực tuyến trong ngày; Thiết lập tính năng cho phép/ không cho phép thanh toán ở nước ngoài (ngoại trừ các giao dịch trực tuyến). Triển khai giải pháp xác thực 3D Secure (hoặc tương đương) cho việc thanh toán trực tuyến với thẻ quốc tế.
Điểm đáng chú ý khác trong Quyết định 2345 là cơ quan quản lý yêu cầu các TCTD phân các giao dịch thành 4 loại A, B,C,D (tổng theo giá trị giao dịch) để áp dụng các biện pháp xác thực trong thanh toán trực tuyến trên Internet (Internet Banking, Mobile Banking). Theo đó, từ giao dịch có giá trị 10 triệu đồng trở lên các TCTD đã phải áp dụng xác thực bằng sinh trắc học. Đơn cử, khi khách hàng cá nhân chuyển tiền trong cùng ngân hàng, khác chủ tài khoản; Chuyển tiền liên ngân hàng trong nước; Chuyển tiền giữa các ví điện tử; Nạp, rút tiền từ Ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đến 1,5 tỷ đồng (giao dịch loại C), các TCTD phải áp dụng xác thực bằng sinh trắc học. Đối với cá nhân chuyển tiền liên ngân hàng ra nước ngoài thì giá trị giao dịch từ 200 triệu đồng trở lên (quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm thực hiện giao dịch) phải áp dụng xác thực sinh trắc học.
Chuyên gia đánh giá, việc NHNN yêu cầu các TCTD áp dụng các biện pháp an toàn, bảo mật cao hơn trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng là cần thiết, có lợi cho khách hàng. Vì thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp khách hàng bị lừa đảo qua rất nhiều hình thức, kịch bản tinh vi. Thống kê của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, chỉ tính trong 11 tháng đầu năm 2023, hệ thống tiếp nhận thông tin cảnh báo do Cục quản lý, vận hành đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến; trong đó có tới trên 91% cảnh báo liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Thống kê cho thấy, có tới hơn 24 hình thức lừa đảo khác nhau và chủ yếu tấn công vào người dùng cuối. Hơn nữa, việc khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư và định danh điện tử trong hoạt động kinh doanh cũng là yêu cầu tất yếu NHNN đặt ra trong triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).
Ngày 21/12, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã yêu cầu NHNN phối hợp Bộ Công an tiếp tục tích cực triển khai giải pháp chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả. Sớm triển khai thí điểm tại Vietcombank đầu năm 2024. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu xây dựng “tài khoản an sinh xã hội” để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản này trên ứng dụng VneID.