Áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng
Hỗ trợ tăng trưởng: Cần thêm các chính sách đồng hành cùng tín dụng, lãi suất Kinh tế 5 tháng: Tăng cường hiệu quả thực thi các chính sách |
Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu
Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) cho biết, 4 tháng đầu năm có 77 nghìn DN rời khỏi thị trường. Con số này cho thấy một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của DN. Đó là số DN gia nhập thị trường và số DN rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. Đây là điều chưa từng thấy trong những tháng đầu các năm trước đây - thời điểm thông thường DN tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh...
Đại biểu cho rằng, tình trạng này cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của DN rút khỏi thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, cần nghiên cứu có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ, tạo đà phục hồi cho DN…
Doanh nghiệp ví như xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh |
DN ví như xương sống của nền kinh tế, DN phát triển thì đất nước hưng thịnh, DN suy yếu thì nền kinh tế khó khăn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển DN. DN phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh. Trước mắt, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra DN; khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiết giảm chi phí tối đa cho DN.
Về mục tiêu tăng trưởng, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,3% so với cùng kỳ, với các động lực chính như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, FDI đều giảm và diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022 đã và đang gây áp lực lên điều hành kinh tế vĩ mô, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023 là 6,5%.
Đánh giá cao quan điểm, quyết tâm của Chính phủ, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đồng tình quan điểm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đặt ra trong năm 2023.
“Cần phải quyết tâm cao để thực hiện đồng bộ, thông suốt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, duy trì động lực tăng trưởng”, đại biểu nhấn mạnh.
Giải quyết ngay tình trạng né tránh trách nhiệm
Một trong những vấn đề đang làm “nóng” hội trường là hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, không những thế, nó còn lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) chia cán bộ né tránh trách nhiệm thành hai nhóm: Một là những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đùn đẩy trách nhiệm, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là những cán bộ không dám làm vì sợ sai, sợ vi phạm pháp luật. Trong hai nhóm này, đại biểu nhận định nhóm sợ sai đang là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.
Đối với nhóm cán bộ thứ nhất, đại biểu cho rằng, ngay trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng này thì giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay là ưu tiên thay thế những cán bộ đó bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm.
Nhóm thứ hai là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm, họ lo sợ vi phạm pháp luật vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Thứ hai là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự. Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ.
Từ thực trạng nêu trên, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay. Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa, như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.
Phân tích sâu vào diễn biến tâm lý của đội ngũ cán bộ trong xử lý công việc hiện tại, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu.
“Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu. Bây giờ chúng ta tổng kết lại xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người cho đứng sang một bên khi không làm được việc. Việc này tôi cho mới là điểm chính”, đại biểu nhấn mạnh.
Tranh luận về quan điểm cán bộ sợ sai, không dám làm nên bỏ bê công việc, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các vị đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới. Do đó, ông đề nghị không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan khác phụ trách các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của tổ chức cơ quan, đơn vị mới đảm bảo công bằng.