Áp lực lạm phát tại Mỹ giảm đáng kể
Fed giữ nguyên lãi suất dù công nhận sự tiến bộ của lạm phát UOB: Mỹ sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 9 |
Các dữ liệu đều ủng hộ cho cắt giảm lãi suất
Báo cáo của Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư cho thấy, CPI chung tăng 0,2% trong tháng 7, đưa tỷ lệ lạm phát 12 tháng lên mức 2,9%. CPI lõi tăng 0,2%, đưa tỷ lệ hàng năm là 3,2%. Các con số chính thức này đều phản ánh đúng kỳ vọng của giới phân tích và thị trường đưa ra trước đó. Đây cũng đều là các mức thấp nhất từ năm 2021 đến nay. Cụ thể, mức CPI chung hàng năm tăng 2,9% là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, trong khi CPI lõi là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Trong tháng 7 vừa qua, chi phí nhà ở tăng 0,4% là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng. Trong khi đó giá thực phẩm biến động không lớn (tăng 0,2%) và giá năng lượng không đổi. Đáng chú ý, có những dấu hiệu trong danh mục cho thấy sự giảm phát trong tháng, bao gồm dịch vụ chăm sóc y tế (-0,3%), hàng may mặc (-0,4%) và giá hàng hóa cốt lõi (-0,3%).
Trước đó, báo cáo hôm thứ Ba từ Bộ Lao động cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) - thước đo lạm phát bán buôn - chỉ tăng 0,1% trong tháng 7 và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số PPI, CPI tháng 7 một lần nữa xác nhận rằng, mức tăng giá cả vào đầu năm nay chỉ là “hơi thở cuối cùng” của lạm phát, và chỉ số CPI tích cực có nghĩa là Fed có thể chuyển hướng chú ý sang các thách thức kinh tế khác, chẳng hạn như thị trường lao động đang chậm lại.
"Tại thời điểm này, áp lực lạm phát mà chúng tôi thấy đã thực sự giảm đi đáng kể", Jim Baird, Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors cho biết. "Lạm phát gần như không còn là vấn đề tại thời điểm này. Có kỳ vọng rộng rãi rằng, điều tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta". Giống như những người khác trên Phố Wall, chuyên gia này kỳ vọng Fed vào tháng 9 tới sẽ chuyển trọng tâm từ chính sách thắt chặt để đối phó với lạm phát sang lập trường nới lỏng hơn để ngăn chặn sự suy yếu tiềm ẩn trong bức tranh việc làm.
Các dữ liệu mới nhất tiếp tục phản ánh xu hướng lạm phát đang dần trở lại mục tiêu 2% của Fed và cho thấy động lực của thị trường để NHTW bắt đầu cắt giảm lãi suất đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, lạm phát theo năm (CPI chung tăng 2,9%; CPI lõi tăng 3,2%) dù đã thấp đi rất nhiều nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 2%. Mặc dù vậy, giới phân tích và các nhà đầu tư vẫn đang mong đợi Fed tại cuộc họp vào tháng 9 sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, không chỉ vì lạm phát đang đi xuống mà còn vì thị trường lao động cũng khó khăn hơn. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 đã tăng lên 4,3%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với một năm trước, cho thấy Quy tắc Sahm đang được kích hoạt (đây là một quy tắc đã được thử nghiệm theo thời gian để xác định thời điểm xảy ra suy thoái. Theo đó, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình động trong ba tháng tăng 0,5% trở lên trên mức trung bình ba tháng, báo hiệu một cuộc suy thoái đã bắt đầu).
“Với sự tập trung vào sự suy yếu tương đối của thị trường lao động, với thực tế là lạm phát đang giảm khá nhanh và tôi dự đoán điều này sẽ tiếp tục trong vài tháng tới, sẽ là bất ngờ nếu Fed không nhanh chóng nới lỏng, có lẽ là bắt đầu tại cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới”, Jim Baird nhận định và cho biết thêm. “Nếu họ không làm vậy tại cuộc họp vào tháng 9, thị trường sẽ không vui vẻ chấp nhận điều đó”.
Diễn biến chỉ số CPI theo cơ sở hàng năm tại Mỹ |
Lo ngại về phản ứng chậm chạp của Fed
Nhưng vẫn còn đó những lo ngại về việc Fed có thể chậm nới lỏng, cũng giống như cách mà họ đã chậm thắt chặt khi lạm phát bắt đầu leo thang. Các quan chức Fed dù đã chỉ ra sự sẵn sàng nới lỏng, nhưng họ cũng cẩn trọng không đưa ra cam kết về một mốc thời gian cụ thể cũng như không suy đoán về tốc độ cắt giảm có thể xảy ra.
Thị trường hiện đang định giá 100% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/9 tới. Câu hỏi duy nhất còn lại là mức cắt giảm sẽ là bao nhiêu. Theo tính toán của CME Group, các khả năng giảm 0,25% hoặc 0,5% vẫn để ngỏ cho lần cắt giảm đầu tiên này, nhưng kỳ vọng về khả năng Fed có thể giảm lãi suất tới 1% vào cuối năm nay cũng đang tăng lên. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý các định giá tương lai như vậy đã không chính xác và có thể sẽ thay đổi nhanh tùy theo diễn biến tình hình. Đơn cử, các nhà giao dịch bắt đầu năm nay với kỳ vọng về tốc độ cắt giảm nhanh chóng, sau đó rút dần và chỉ kỳ vọng 1 hoặc 2 lần, trước khi lại có sự thay đổi theo tăng lên như hiện nay.
“Tôi nghĩ vẫn sẽ cần một ngoại lệ thực sự (một dữ liệu bất thường nào đó) để Fed thay đổi: 1/ Chuyển sang lao động làm yếu tố trọng tâm; và 2/ Nghiêm túc cân nhắc việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9”, Tom Porcelli, nhà kinh tế trưởng của PGIM Fixed Income tại Hoa Kỳ cho biết. “Họ nên bắt đầu một cách mạnh mẽ. Tôi có thể dễ dàng đưa ra lập luận rằng Fed nên cắt giảm 50 điểm cơ bản cho việc bắt đầu nới lỏng này vì tôi nghĩ đáng lẽ họ nên cắt giảm từ trước rồi. Nhưng tôi cũng không nghĩ đó là những gì họ sẽ làm. Nhiều khả năng họ sẽ bắt đầu một cách khiêm tốn”.
Cùng quan điểm, Seema Shah, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Principal Asset Management cho biết: “Chỉ số CPI tháng 7 đã xóa bỏ mọi rào cản lạm phát còn sót lại có thể đã ngăn cản Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy tính cấp thiết “hạn chế” đối với khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản”.
Mô tả báo cáo CPI tháng 7, Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư tại Charles Schwab nhận định, mặc dù CPI giảm xuống, nhưng các lĩnh vực khó khăn vẫn tiếp tục khó khăn. Do đó vẫn phải theo dõi chặt chẽ cả dữ liệu lạm phát cũng như dữ liệu việc làm thời gian tới. Thực tế, báo cáo tháng 7 cho thấy lạm phát vẫn “cứng đầu” ở một số lĩnh vực. Như đã đề cập ở trên, chi phí nhà ở tăng 0,4% hàng tháng và tăng 5,3% hàng năm, một lần nữa thách thức kỳ vọng của Fed về việc nới lỏng chi phí liên quan đến nhà ở. Hay trong khi giá ô tô tiếp tục giảm (xe mới giảm 0,2%; xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng giảm 2,3% theo tháng và giảm 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng chi phí bảo hiểm ô tô vẫn tăng thêm 1,2% theo tháng và đã tăng tới 18,6% so với cùng kỳ năm trước.