Áp lực thu hẹp NIM
NIM ngân hàng mỏng dần Thu nhập lãi thuần của các nhà băng ngày càng thu hẹp |
Nguyên nhân đó là do NIM (Net Interest Margin - biên lãi ròng) thu hẹp, tiền gửi khách hàng tăng nhanh gấp 2,3 lần tín dụng, trong khi cho vay suy giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Chưa kể thời gian qua các ngân hàng tích cực tiết giảm chi phí, lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi.
Tương tự Vietcombank, nhiều nhà băng khác cũng không tránh khỏi tình trạng NIM ngày càng mỏng dần. Đơn cử như tại Eximbank, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã giảm 76% so với cùng kỳ trong quý III, xuống chỉ còn 307 tỷ đồng. Theo ngân hàng này, mặc dù, thu nhập từ việc cho vay khách hàng đem về khoản lãi hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 16%. Thế nhưng, chi phí mà nhà băng này phải trả lãi tiền gửi khách hàng tăng 60% lên hơn 2.636 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần bị sụt giảm.
ABBank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 86 tỷ đồng). Tương tự như nhiều ngân hàng khác, lãi của ABBank đi xuống trong quý III chủ yếu do sự sụt giảm trong thu nhập lãi thuần. Khoản mục này đã giảm 33,9% so với cùng kỳ với 647,7 tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, từ tháng 10/2022, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng cao, tuy nhiên lãi suất cho vay không thể tăng tương ứng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến NIM của các ngân hàng giảm trong những quý đầu năm 2023. Còn đến thời điểm này, mặc dù lãi suất huy động đã giảm, song việc lãi suất cho vay giảm nhanh hơn và sớm hơn cũng tạo áp lực đến NIM của các ngân hàng.
Các ngân hàng chủ động tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh |
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, ngay từ đầu năm 2023 NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Cùng với đó, chỉ đạo các TCTD chủ động tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Kết quả, đến nay mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm mạnh, cụ thể lãi suất VND tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Với tác động có độ trễ của chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất và các biện pháp điều hành của NHNN, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Như vậy có thể thấy lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm, trong khi dư địa giảm lãi suất huy động còn rất ít. Điều này càng khiến cho NIM của các ngân hàng thu hẹp.
Trong báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay để cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân là định hướng xuyên suốt của NHNN. Tuy rằng lãi suất huy động trung bình tại hệ thống ngân hàng trong tháng 9 đã ghi nhận giảm thêm 30 đến 50 điểm tuỳ từng kỳ hạn. Đến thời điểm này mặt bằng lãi suất huy động đã tiệm cận mức thấp trước dịch bệnh; lãi suất cho vay dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Vì vậy, VCBS nhận định, NIM của các ngân hàng sẽ thu hẹp nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm.
Cụ thể, nhóm ngân hàng tư nhân tăng nhanh về tập khách hàng và sức hút tiền gửi có NIM giảm nhẹ hoặc đi ngang nhờ duy trì tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao và chi phí vốn thấp. Nhóm 4 NHTM nhà nước NIM cũng chỉ giảm nhẹ do các nhà băng này luôn đi tiên phong trong việc giảm lãi suất huy động và duy trì mức lãi suất tiền gửi thấp nhất trên thị trường, còn nhóm ngân hàng nhỏ thiếu hụt về thanh khoản, NIM sẽ chịu áp lực giảm mạnh nhất.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá, sự sụt giảm NIM của các nhà băng đã thấy rõ và trong giai đoạn cuối năm sẽ càng thể hiện sự phân hoá giữa các nhóm. Trong chiến lược dài hạn, các ngân hàng phải tích cực chuyển đổi nguồn thu từ tín dụng là chính sang các khoản thu về dịch vụ. Đó cũng là mô hình phát triển bền vững, hạn chế rủi ro.
Có góc nhìn lạc quan hơn, tại Báo cáo chiến lược thị trường tháng 10/2023, cập nhật về ngành Ngân hàng, CTCK KB (KBSV) cho biết, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhưng tốc độ chậm hơn. Mặt khác, so với lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm thường có độ trễ sau 3-6 tháng. Trên cơ sở đó, KBSV kỳ vọng NIM ngân hàng sẽ tạo đáy và bắt đầu hồi phục từ quý IV/2023.
Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý sự phục hồi của NIM đối mặt với khó khăn khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn giảm về mức 30% sẽ khiến một số ngân hàng phải điều chỉnh lại danh mục huy động, tăng tỷ trọng các khoản huy động dài hạn dẫn đến tăng chi phí vốn. Ngoài ra, sự cạnh tranh lãi suất cho vay giữa các ngân hàng khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN được áp dụng (cho phép vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác) sẽ tác động tiêu cực đến NIM toàn Ngành. “Dù vậy, mức độ ảnh hưởng khi xảy ra các rủi ro này có thể không lớn và không tác động lên toàn hệ thống mà chỉ xảy ra ở một vài ngân hàng”, báo cáo nhận định.