Áp thuế tối thiểu toàn cầu - việc cần làm ngay
Việc mạo danh cơ quan thuế trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng Để đảm bảo quyền và lợi ích, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu |
Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, các quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, gọi tắt là quy định GloBE được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%.
Vì vậy, để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí cần ban hành văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của GloBE có thể kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật; đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và dự kiến về thời gian hiệu lực thi hành để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng Thống nhất ban hành Nghị quyết, nhưng làm thế nào để môi trường đầu tư kinh doanh vẫn giữ được ổn định, không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang đầu tư.
Giải trình thêm ý kiến các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc ban hành nghị quyết là để thực hiện quyền đánh thuế của đất nước đối với thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD đã có chủ trương: “Đây là vì quyền lợi của đất nước, nên nếu chúng ta không đánh thuế tối thiểu toàn cầu với những đối tượng, những doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu Euro trở lên, có nghĩa là từ bỏ quyền định thuế của mình và phần nộp bổ sung sẽ nộp về chính quốc. Như vậy, chúng ta thất thu thuế, nhưng điều quan trọng hơn là sẽ mất dòng đầu tư. Vấn đề này có tác động rất lớn”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, khi đã đưa quyền định thuế của mình thì sẽ theo quy định của OECD. Chúng ta không “thí điểm” mà sẽ áp thuế luôn. Khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025, chúng ta sẽ đưa thuế tối thiểu toàn cầu vào trong thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở nghị quyết này, chúng ta chỉ áp dụng với các doanh nghiệp thuộc phạm vi của thuế tối thiểu toàn cầu.
“Bỏ thí điểm để tạo sự đối xử bình đẳng với quốc tế, tránh một số quốc gia cho rằng thí điểm là không chắc chắn. Thực tế, một số doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam rất lo lắng. Nếu Việt Nam không áp thuế tối thiểu toàn cầu kịp thời thì cơ quan thuế của nước họ sẽ sang thu thuế và như vậy, doanh nghiệp sẽ không thể đầu tư tiếp được nữa. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc này rất cần phải thực hiện sớm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình thêm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, trước khi xây dựng tờ trình và hồ sơ để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì Chính phủ và Bộ Tài chính đã tổ chức rất nhiều hội thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội thảo với nhiều chuyên gia quốc tế, các tập đoàn kinh tế cũng như các công ty kiểm toán quốc tế nhiều vòng để lấy ý kiến rất rộng rãi và thực hiện theo đúng quy trình.
Liên quan đến vấn đề rà soát các doanh nghiệp chịu thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã rà soát, khảo sát rất kỹ. Kết quả là hiện nay có 122 doanh nghiệp với khoản thu thuế tối thiểu toàn cầu khoảng 14.600 tỷ đồng. Sau đây, chúng ta còn phải ban hành cơ chế để hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp.
“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội ban hành Nghị quyết. Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng Nghị định, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi phấn đấu trong tháng 12 sẽ ban hành Nghị định và mùng 1/1/2024, chúng ta sẽ áp dụng thực hiện đánh thuế tối thiểu toàn cầu để phù hợp với lộ trình”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm.