ASEAN được dự báo tăng trưởng chỉ 4,2% trong năm 2020 vì Covid-19
Tuy nhiên, tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi trở lại, đạt mức 5% vào năm 2021, nhờ các chính sách vĩ mô phù hợp và kích thích tài khóa, cũng theo ICAEW.
Tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc đã lan rộng đáng kể tới khu vực Đông Nam Á, bởi dòng chảy du lịch và chi tiêu hộ gia đình thấp hơn cùng mức độ gián đoạn gia tăng của các chuỗi cung ứng.
Như vậy, những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và xuất khẩu sẽ chịu tác động nhiều nhất. Thái Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, còn Việt Nam và Singapore sẽ chịu ảnh hưởng từ sự gián đoạn nguồn cung và du lịch. Trong khi đó, do ít phụ thuộc vào du lịch nên tăng trưởng của Indonesia sẽ chịu tác động ít hơn.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 được dự đoán sẽ chỉ tác động đến du lịch và chuỗi cung ứng trong ngắn hạn và sẽ có sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2020. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chu kỳ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm cho thấy triển vọng bên ngoài khu vực tích cực hơn.
Do đó, đà xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ cải thiện đáng kể trong suốt thời gian còn lại của năm. Bên cạnh đó, nới lỏng chính sách tiền tệ trong khu vực và chủ động tăng chi tiêu cũng sẽ hỗ trợ thêm cho nhu cầu trong nước và giảm bớt một phần tác động của dịch bệnh.
“Trong khi tác động của đợt bùng phát Covid-19 sẽ lớn hơn SARS do sự dịch chuyển nhiều hơn của người dân và sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng, chúng tôi hy vọng rằng hầu hết các tác động kinh tế sẽ xảy ra trong quý I/2020 và tăng trưởng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020”, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á - Oxford Economics nhận định. “Vì vậy, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực năm 2020 xuống còn 4,2%, sau đó tăng trưởng phục hồi lên khoảng 5% vào năm 2021.”
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế đang xấu đi, các chính sách tiền tệ mở rộng và kích thích tài khóa sẽ giúp làm giảm tác động từ dịch bệnh. Thái Lan, Malaysia và Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm; Indonesia có khả năng tiếp tục cắt giảm thêm trong quý I/2020. Tại Singapore, Cơ quan Quản lý tiền tệ (MAS) có thể sẽ chuyển sang chính sách không tăng giá đồng tiền đối với biên độ nội tệ trong giao dịch thương mại vào tháng 4.
Về mặt tài chính, Singapore đưa ra gói hỗ trợ kinh tế lớn hơn dự kiến (1,2% GDP) trong ngân sách 2020 để giúp nền kinh tế của nước này đối phó với những khó khăn do đợt bùng phát dịch bệnh. Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia gần đây cũng đã áp dụng những chính sách tương tự.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi vẫn thận trọng cho rằng nếu dịch bệnh kéo dài, chi tiêu dài hạn có thể bị ảnh hưởng, làm hạ mức tăng trưởng hơn nữa. Hiện tại, chúng tôi dự đoán tác động của Covid-19 sẽ cao, nhưng tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ được cải thiện nhờ các chính sách kích cầu nội địa của các quốc gia.”