Bàn giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế
Ngành Ngân hàng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành ngân hàng nói riêng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động ngân hàng, đặc biệt là tín dụng có vai trò rất quan trọng, tác động lớn đến nền kinh tế. Do đó, Hội nghị lần này được tổ chức để lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành, chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nhằm mục đích tìm ra các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị |
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã báo cáo chi tiết về các giải pháp, nỗ lực của NHNN và ngành ngân hàng trong thời gian qua để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế, như các giải pháp về điều tiết thanh khoản; điều hành giảm lãi suất với 04 lần hạ lãi suất trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó các TCTD đã cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 12.500 tỷ đồng; điều hành tín dụng phù hợp, giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các TCTD để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng; triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực (gói tín dụng 120.000 tỷ đối với lĩnh vực bất động sản, 15.000 tỷ đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...).
Mặc dù đã rất tích cực triển khai nhiều giải pháp, song, tín dụng chung và tín dụng theo ngành, lĩnh vực, loại hình kinh tế vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân là do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản…
Phó Thống đốc Thường trực NHNN báo cáo tại Hội nghị |
Tiếp tục triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn
Phó Thống đốc cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Do đó, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp về kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển các loại thị trường; nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; và giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Nhìn từ góc độ các chuyên gia kinh tế, Hiệp hội, các đại biểu đều nhận định khó khăn thực tế không xuất phát từ vấn đề cung ứng tín dụng của ngành ngân hàng, mà là từ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp không có đơn hàng, đơn giá thấp, hàng tồn kho lớn (thống kê của Ban IV chỉ ra, số ngày tồn kho của các doanh nghiệp ngành bất động sản lên tới 5.662 ngày, ngành sản xuất tồn kho kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023...), doanh nghiệp không tìm được cơ hội sản xuất kinh doanh nên không có nhu cầu vay vốn (như ngành dệt may 08 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu đã giảm 16,4%).
Đa số đại biểu cũng cho rằng, NHNN đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất..., đặc biệt đánh giá cao việc giảm lãi suất của ngành ngân hàng trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Do đó, hiện dư địa chính sách tiền tệ còn rất ít nhất là về lãi suất, cần thực hiện thận trọng, gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, cần phải bàn và phân tích kỹ thực trạng phát triển cũng như cấu trúc của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam hiện nay để nhận diện đúng và có biện pháp xoay chuyển. Vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường, vì thị trường tắc thì không lĩnh vực nào, kể cả tín dụng thông được. Trong bối cảnh đó, lãi suất vay vốn không phải là vấn đề cốt lõi hiện nay, mà cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp khác để khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế như: chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tăng hỗ trợ thông qua tài khóa, tiếp tục giảm thuế, tăng giải ngân đầu tư công làm động lực cho tăng trưởng kinh tế; bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tái cấu trúc nền kinh tế; hỗ trợ ngành, lĩnh vực chuyển đổi công nghệ mới; các dự án chuyển đổi xanh; hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý của các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực bất động sản... Theo đó, các đại biểu cũng đề xuất cần có các Hội nghị chuyên đề để trao đổi sâu hơn về các giải pháp đồng bộ khác, từ đó góp phần tăng nhu cầu, khả năng hấp thụ tín dụng.
Về phía các NHTM, đại diện lãnh đạo 02 NHTM Nhà nước và 01 NHTMCP chia sẻ về khó khăn của bản thân ngân hàng khi vẫn duy trì huy động, chi phí lãi tiền gửi tăng, dư thừa vốn nhưng không thể giải ngân. Một mặt, các doanh nghiệp là khách hàng truyền thống thu hẹp sản xuất, không có nhu cầu vay; mặt khác vẫn có doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng chưa đảm bảo về hồ sơ pháp lý hoặc khả năng trả nợ nên ngân hàng không có cơ sở quyết định cho vay.
Phúc đáp lại các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định thời gian qua NHNN đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với toàn hệ thống đã rất nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp; tín dụng tăng trưởng thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân khác như các đại biểu đã phân tích nên cần có giải pháp đồng bộ để tăng khả năng hấp thụ của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Về phía NHNN, Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, tỷ giá, an toàn hệ thống, tạo môi trường ổn định cho hoạt động của nền kinh tế. Thống đốc cũng mong rằng Chính phủ sớm có các Hội nghị chuyên đề để có các giải pháp khác đồng bộ với chính sách tiền tệ.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo NHNN Việt Nam và các Bộ, cơ quan từ góc độ chính sách của mình phát huy tinh thần cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp để chủ động có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng; tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.