Bán vốn giờ G, tái cấu trúc
Đón đầu xu hướng mới trên thị trường M&A M&A bất động sản sẽ nóng trở lại Doanh nghiệp nội vẫn chiếm ưu thế trong M&A |
Những lựa chọn khó khăn
Tại Novaland, tuy giá cổ phiếu đã phục hồi lên khoảng 15.000 đồng nhưng cổ đông lớn là Nova Group vẫn liên tục thoái vốn. Mới nhất, cổ đông này đăng kí bán tiếp 136,4 triệu cổ phiếu Novaland với mục đích cân đối danh mục đầu tư và cơ cấu các khoản nợ.
Một thành viên khác trong nhóm của Nova Group là Nova F&B (đơn vị sở hữu một số thương hiệu nhà hàng, coffee như chuỗi Phin Deli, Mojo Coffee, Dynasty House Hongkon...) còn được sang tay cho chủ mới đến từ Singapore. Đây là điều được dự báo trước khi nhiều cửa hàng của Nova F&B liên tiếp đóng cửa, trả mặt bằng cho thấy chuỗi này đang gặp nhiều khó khăn để duy trì quy mô.
Ở Tập đoàn Hoà Bình, để đối phó khoản nợ kỉ lục hơn 2.500 tỷ đồng chỉ trong năm ngoái, con đường bán tài sản, thoái vốn ngoài ngành là lựa chọn bắt buộc để tinh giản bộ máy, giúp doanh nghiệp có nguồn tiền mới để duy trì hoạt động.
Điểm lưu ý ở Hoà Bình là các khoản phải thu chiếm tỷ trọng khá lớn khi công việc thu hồi nợ của đối tác gặp nhiều khó khăn. Không thu được tiền từ các công trình đã thi công, Hoà Bình đành phải đi vay nợ và lại khiến cho nhà thầu này tiếp tục rơi vào vòng xoáy nợ nần khi phải liên tục xoay vòng vốn vay.
Giá trị và số lượng thương vụ M&A |
Hiện Hoà Bình đã lên kế hoạch bán công ty con chuyên về quản lí máy móc thiết bị cho nhà đầu tư Nhật, thoái vốn khỏi một dự án ở khu công nghệ cao cũng như chuẩn bị phát hành hàng triệu cổ phiếu cho 2 cổ đông chiến lược mới để bảng cân đối tài chính lành mạnh hơn.
Tại nhiều lĩnh vực khác, cơn sóng ngầm bán tài sản, tái cấu trúc đang diễn ra nóng hơn. Hãng JLL cho biết, đang tìm chủ mới cho các khách sạn Ibis Saigon South và Capri by Fraser cho nhà đầu tư Hong Kong. Bamboo Capital giảm 7,49% tỉ lệ sở hữu tại thành viên xây dựng Tracodi. Nhà bán lẻ Thế giới Di động mới đây đã thoái mảng kinh doanh tại Campuchia đồng thời lên kế hoạch bán 20% vốn tại chuỗi Bách Hoá xanh để có thêm nguồn lực.
Bức tranh hoạt động của đa số doanh nghiệp vẫn chưa mấy sáng sủa. Trong 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 22,6% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đang hoạt động phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Kết quả là nền kinh tế đang trong trạng thái kém hấp thụ vốn, xuất hiện tình trạng "nợ vòng quanh" giữa nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp, tạo ra những điểm nghẽn về dòng tiền.
Từ những khó khăn của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng tín dụng chậm chạp chảy ra thị trường. Tính đến cuối tháng 5/2023, tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, chưa bằng một nửa mức tăng của 5 tháng đầu năm 2022. Theo phân tích của Saigon Ratings, nguyên nhân do doanh nghiệp trong nước thiếu hụt các đơn hàng sản xuất, dẫn đến nhu cầu vay vốn suy giảm. Nợ xấu tiềm ẩn khiến các tổ chức tín dụng thận trọng khi xét duyệt cho các doanh nghiệp vay vốn.
Tất nhiên, cũng có những doanh nghiệp tận dụng thời điểm này để chuyển nhượng được một phần vốn với giá hời nhằm mục tiêu đầu tư mở rộng, như Thaco Group là một ví dụ. Công ty của tỉ phú Trần Bá Dương dự kiến sẽ bán 10-20% cổ phần trong đứa con cưng ô tô Trường Hải, nhằm có tiền tài trợ cho các hoạt động đầu tư khác, như bất động sản, nông nghiệp hay bán lẻ.
Chông gai con đường phục hồi
Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng khiêm tốn 3,72% , chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Sức cầu yếu ớt, bế tắc dòng tiền cả ở phía đầu vào và đầu ra là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp đánh giá lại sức khoẻ bản thân, tìm ra các giải pháp tồn tại qua giai đoạn gian khó này. Tiêu chí tồn tại và duy trì bộ máy hoạt động vào thời điểm này được ưu tiên hơn tất cả. Việc bán đi tài sản chưa cần thiết không những giúp bổ sung nguồn lực, giảm gánh nặng nợ, hàng tồn kho mà còn giúp doanh nghiệp tập trung 100% vào các hoạt động kinh doanh chính, hạn chế rủi ro ở khâu quản trị và dàn trải nguồn lực đầu tư.
Từ nay đến hết năm, dù lãi suất có xu thế tiếp tục giảm dần nhưng áp lực thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu đến hạn vẫn còn đáng kể sẽ buộc một số doanh nghiệp phải tiếp tục “cắt máu”, bán tài sản để tránh bị đánh rớt tín nhiệm nợ xuống nhóm 3-5.
Thống kê của FiinRatings cho thấy tỉ lệ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu tiếp tục tăng lên mức 11,74% trong tháng 5 so với mức 8,15% và 9,77% lần lượt vào tháng 3 và tháng 4. Bất động sản tiếp tục là ngành chứng kiến tỉ lệ các nhà phát hành không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn lớn nhất (56 trong tổng số 98 trường hợp).
Nhưng đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư may mắn sở hữu tiền mặt vào thời gian tới. Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) nhờ đó có thể tăng nóng hơn trong phần còn lại của năm. Trong 5 tháng qua, tổng giá trị M&A tại Việt Nam được ghi nhận ở mức 2.5 tỉ USD
Mặc dù môi trường đầu tư thế giới đang biến động nhưng Việt Nam vẫn được tín nhiệm là đích đến ưa thích nhờ tiềm năng tăng trưởng và lực lượng lao động có kĩ năng khá. Theo đánh giá của Grant Thornton, triển vọng M&A thời gian tới khá sáng sủa với các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiêu dùng, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, công nghệ và bất động sản là lựa chọn yêu thích của giới đầu tư.