Bán vốn tái cấu trúc danh mục đầu tư
Cần tái cấu trúc Quỹ bảo lãnh tín dụng Bán vốn giờ G, tái cấu trúc |
Tiền tỷ từ các thương vụ bán vốn
Báo cáo kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm 2023 của các công ty niêm yết trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng và nông sản thực phẩm cho thấy, lợi nhuận của hàng chục tập đoàn lớn được co kéo, bù đắp từ nguồn tiền thu về sau các thương vụ thoái vốn công ty con và công ty liên kết.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) mới đây, đã thông qua chủ trương chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Năm Bảy Bảy (NBB) Quảng Ngãi. Sau thương vụ chuyển nhượng này phần lợi nhuận dự kiến thu về sẽ là cơ sở để CII cân bằng dòng tiền kinh doanh khi mà kết thúc quý II năm nay nợ phải trả của công ty này chiếm tới 69,6% tổng nguồn vốn.
Nhiều dự án đang thi công dang dở kỳ vọng được nối lại sau các thương vụ M&A |
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm CII thoái vốn công ty con để cân bằng danh mục đầu tư. Trước đó, doanh nghiệp này đã đăng ký bán 50,62% vốn sở hữu tại công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn (SII). Theo ghi nhận trong đợt bán vốn diễn ra trong tháng 7, với 24,7 triệu cổ phần giao dịch bán thành công, ước tính CII thu về khoảng 170 tỷ đồng.
Tương tự, nhiều tập đoàn lớn trong các tháng đầu năm cũng đã ghi nhận bán vốn tại các công ty con công ty liên kết, từ đó, thu về hàng nghìn tỷ đồng để cấu trúc lại các danh mục đầu tư dự án. Trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản có thể kể thêm các thương vụ bán vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC), Công ty cổ phần phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR).
Theo đó, sau khi thoái 100% vốn tại Matec, HBC thu về hơn 1.000 tỷ đồng, khiến lợi nhuận quý II tăng vọt 12 lần so với cùng kỳ. Tập đoàn Phát Đạt cũng thu về khoảng hơn 500 tỷ đồng sau khi bán cổ phần tại Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn – KL, giúp doanh thu của doanh nghiệp đạt mức 532 tỷ đồng và giảm đáng kể áp lực lỗ lũy kế trong kỳ báo cáo.
Ở các lĩnh vực khác, nhiều thương vụ bán vốn đình đám cũng đã được thực hiện. Tiêu biểu có thể kể đến thương vụ bán 50% vốn tại Công ty tài chính SHB Finance, giúp SHB thu về 675 tỷ đồng vào tháng 5 vừa qua. Hay thương vụ thoái toàn bộ 24% vốn tại liên doanh Calofic của Vocarimex, giúp tập đoàn này thu về gần 1.600 tỷ đồng trong quý II.
Kỳ vọng những hợp đồng M&A lớn
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, những tháng cuối năm 2023 hoạt động chuyển nhượng vốn tại các công ty con, công ty liên kết và các dự án sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, logistics, vận tải và các ngành hàng công nghệ tài chính, thực phẩm.
Thực tế, đến hiện tại theo quan sát trên thị trường, các thương vụ lớn như thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại PGBank của Petrolimex, thương vụ mua lại Công ty cổ phần bất động sản Tâm Lực của Gamuda Land (Malaysia) và hàng loạt kế hoạch mua bán và sáp nhập (M&A) dự án bất động sản nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đã hoàn tất bước thăm dò và bắt đầu đi vào đàm phán, thương lượng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), có thể trong quý IV năm nay sẽ có một số thương vụ M&A trong lĩnh vực nhà đất được hoàn tất. Trong đó, đáng chú ý là các dự án bất động sản công nghiệp và bất động sản phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Bởi đến hiện tại nhiều nhà đầu tư lớn từ các thị trường khu vực như: Quỹ Everland Opportunities IX Limited (Hồng Kông), Quỹ Strategic Hospitality Holdings Limited (Thái Lan), Meliá Hotels International (Tây Ban Nha), Gamuda Land (Malaysia)… đều đã hoàn tất nhiều công đoạn trong việc mua lại vốn các dự án hoặc các công ty con của các tập đoàn bất động sản trong nước.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS cho rằng, các tháng cuối năm nay bên cạnh lĩnh vực bất động sản, xây dựng thì lĩnh vực tài chính, bán lẻ, hàng tiêu dùng cũng có thể chứng kiến những thương vụ bán vốn dự án, bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết. Trong đó, lĩnh vực tài chính thị trường có thể kỳ vọng nhiều thương vụ chuyển nhượng hoặc đầu tư lớn vào các fintech (công nghệ tài chính) khởi nghiệp, hoặc các thương vụ thâu tóm thị phần tài chính tiêu dùng như việc mua lại Home Credit mà KBank của Thái Lan đang đánh tiếng. Ngoài ra, hoạt động thoái vốn nhà nước tại các đơn vị ngành dầu khí và các kế hoạch bán vốn của Cholimex, Eximbank, KIDO... cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh hơn vào thị trường mua bán, sáp nhập các tháng cuối 2023 và đầu 2024.