Báo chí - doanh nghiệp: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, cùng nhau vượt khó
Đồng cam cộng khổ
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hơn ba năm qua, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam cũng là một trong những nước được thế giới đánh giá trên đà phục hồi vững chắc và dự báo có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023. Đây chính là thành quả xứng đáng khi thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Dù vậy, theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, báo chí truyền thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, là người bạn đồng hành, hỗ trợ. Có thể nói, “đồng cam cộng khổ” là cách mà báo chí và doanh nghiệp cần thực hiện nhất lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển.
Nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, báo chí có những bước phát triển mới, linh hoạt hơn, hiện đại hơn. Báo chí đang đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua những hành động cụ thể như: Sự tư vấn kịp thời về truyền thông để doanh nghiệp phát triển thương hiệu, sản phẩm của mình, “đứng bên cạnh” và tìm giải pháp hợp lý giúp doanh nghiệp xử lý tốt nhất những rắc rối trong khuôn khổ pháp luật - việc mà doanh nghiệp rất cần trong công tác truyền thông hiện nay.
Ngoài ra, báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm… mà còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp…
Qua báo chí, những gương doanh nhân điển hình, doanh nghiệp uy tín, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, những cách quản trị phát triển doanh nghiệp bền vững, thích ứng kinh tế thị trường thời đại mới… đã được lan tỏa rộng rãi. Những chương trình đối thoại chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải đều được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương phản ánh kịp thời.
Chung tay cùng phát triển
Theo TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme), tính chung 5 tháng qua, Hà Nội có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 125,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% về số doanh nghiệp nhưng giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 1,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, giảm 5%; 12,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22% so với cùng kỳ; có 4,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 22% so với cùng kỳ.
Báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại mới. Ảnh: Hoàng Giáp |
Hiện doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, năng lực quản trị của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu; kỹ năng ra thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt, theo số liệu hiện chỉ có 20 - 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt tay vào chuyển đổi số. Con số đó cho thấy có quá ít doanh nghiệp coi trọng vấn đề này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong thời gian tới, ông Mạc Quốc Anh cho rằng báo chí và doanh nghiệp phải có mối quan hệ “cộng sinh”. Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin cho báo chí. Hanoisme với vai trò của mình sẽ phối hợp với báo chí để lan tỏa các doanh nghiệp điển hình, mô hình kinh doanh hiệu quả để nhân rộng.
“Rõ ràng, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh, sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thành Lợi, thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lực, tích cực, đâu đó vẫn còn một số thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, trong khi một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa tin chưa chính xác, hoặc lợi dụng sai phạm của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích riêng. Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp; khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, xây dựng chiến lược truyền thông doanh nghiệp hiệu quả, từ đó xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng.