Bảo đảm an toàn cho du khách trong mùa mưa bão
Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 8/2024, du lịch Hà Nội đã đón được 2,49 triệu lượt khách; trong đó có 496,4 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 2 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đã đón được gần 19 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo, khách du lịch tiếp tục tăng cao dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng như dịp lễ Noel và Tết 2025.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, Hà Nội không chỉ là địa bàn trung tâm để du khách trung chuyển đi du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước, mà nhờ công tác quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình du lịch, lượng khách đến và lưu trú tại Thủ đô tăng cao. Sở Du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút du khách đến thành phố. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 và Lễ hội Quà tặng 2024 là những sự kiện điểm nhấn trong năm. Ngoài ra, còn có chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội năm 2024; chuỗi hoạt động chuyên đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội.
Ở thời điểm này, du lịch Việt Nam vẫn đang trong những tháng cao điểm đón khách nội địa. Một số địa phương vẫn đưa ra các chương trình hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Tại TP. Hồ Chí Minh, những tháng cuối năm 2024 tiếp tục triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm khai thác thế mạnh du lịch của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện gắn liền với loại hình du lịch tiềm năng địa phương. Cụ thể, ngay trong quý III/2024, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh triển khai Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025, trọng tâm là thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch đường thủy năm 2024. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thành phố sẽ phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch ban đêm…
Cần đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa mưa bão |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ mở cửa đón khách tham quan 2 điểm di tích Hải Vân Quan và An Lăng từ tháng 8/2024, sau thời gian dài trùng tu. Các đơn vị quản lý thống nhất phương án mở cửa miễn phí đối với di tích Hải Vân Quan từ ngày 1/8, cho đến khi xây dựng được bảng giá vé phù hợp.
Trong khi đó, theo quy luật của thị trường đón khách quốc tế, từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau sẽ là mùa cao điểm du lịch. Để chuẩn bị cho mùa cao điểm năm nay, các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực xúc tiến quảng bá sản phẩm tới đối tác. Giám đốc Công ty Du lịch Mai Việt Dương Xuân Tráng cho biết, trung tuần tháng 9, Công ty sẽ cùng một số đơn vị du lịch chuyên đón khách quốc tế, tham gia Hội chợ du lịch IPTM, diễn ra từ ngày 17-19/9.
Đưa ra các sản phẩm mới, tạo thêm sức hút du khách là cần thiết. Song cũng cần hết sức quan tâm tới việc đảm bảo an toàn cho du khách vì thời điểm này trùng với mùa mưa bão. Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, năm nay diễn biến thời tiết có nhiều yếu tố bất thường, khó dự đoán. Bởi vậy, các đơn vị tổ chức tour tuyến cần hết sức quan tâm, lưu ý.
Gần đây, mưa bão, lũ quét, sạt lở đất diễn ở một số địa phương đã ảnh hưởng đến du lịch. Điển hình như đợt bão số 2 vừa qua, hàng nghìn khách mắc kẹt ở các đảo Cát Bà (Hải Phòng); Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu (Quảng Ninh). Hay đợt mưa kéo dài gây ngập ở Hạ Long vào cuối tháng 7 khiến cho nhiều du khách chỉ có thể nghỉ dưỡng tại phòng, hạn chế tham quan vịnh và vui chơi ngoài trời.
Đối với các doanh nghiệp lữ hành, việc gặp rủi ro về thời tiết trong khi đưa khách du lịch ở biển, đảo thường khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để có thể hạn chế, tránh được những rủi ro? Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết, đơn vị từng xử lý nhiều tình huống khách bị “mắc kẹt” tại đảo Cô Tô, Quan Lạn (Quảng Ninh) do gặp biển động, mưa bão bất chợt.
“Để bảo đảm an toàn cho khách, công ty thường liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ tại các điểm du lịch, hỗ trợ du khách khi có rủi ro xảy ra. Nhiều đơn vị lưu trú sẵn sàng giảm giá phòng cho du khách nếu bị mắc kẹt”, ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt, các địa phương và điểm đến nên thường xuyên cung cấp thông tin và có cảnh báo cho đơn vị lữ hành và du khách để có thể tránh rủi ro từ sớm. Các đơn vị lữ hành cần tư vấn cho du khách những thời điểm du lịch an toàn, sẵn sàng có các chính sách hỗ trợ cho khách hoãn, hủy tour nếu gặp thời tiết bất thường. Nếu trường hợp rủi ro xảy ra, cần yêu cầu hướng dẫn viên bám sát hoạt động của du khách để hỗ trợ kịp thời.
Để phòng tránh những rủi ro, nhiều địa phương đã chỉ đạo tập trung triển khai việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân tham gia làm dịch vụ du lịch trong mùa mưa bão. Chẳng hạn, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với sở và đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra tại các khu, điểm du lịch; yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý các khu, điểm du lịch, các hãng lữ hành có biện pháp cảnh báo, thông tin để du khách nắm bắt tình hình, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh và chủ động phòng ngừa các tai nạn, tình huống xấu có thể xảy ra khi đi tham quan, du lịch, nhất là tại các địa điểm xảy ra nguy cơ gây mất an toàn.
Đại diện Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng nhận định, thời gian tới, dự báo mưa còn kéo dài ảnh hưởng đến việc đi lại trong các khu, điểm du lịch, đặc biệt các tuyến đường thủy đi qua các hang động. Do đó, ngành du lịch và các khu, điểm du lịch đã có phương án, nếu các hang ngập nước, sẽ được điều chỉnh hướng, vận hành các tour không đi qua các hang động, tư vấn khách chuyển sang tham quan các điểm khác, đồng thời có những cảnh báo sớm cho du khách trước khi về du lịch ở Ninh Bình. Với những khu, điểm du lịch do điều kiện thời tiết xấu, không đảm bảo điều kiện an toàn phục vụ khách tham quan, tỉnh Ninh Bình yêu cầu phải dừng ngay việc tổ chức hoạt động tham quan và thông báo kịp thời tới du khách, các công ty du lịch, dịch vụ, truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Để hoạt động du lịch được an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần, các địa phương, đơn vị cần có sản phẩm phù hợp và sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, có chính sách hỗ trợ du khách kịp thời, bảo đảm du lịch an toàn trong mọi tình huống.