Báo động rác thải nhựa
Sở dĩ, rác thải nhựa tại Việt Nam đang ở tình trạng đáng báo động là do từ trước đến nay, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tuyến tính, chủ yếu là khai thác nguồn nguyên liệu đem vào sử dụng, sản xuất sau đó sẽ tạo ra nguồn phế thải, rác thải đem đi chôn lấp hoặc đổ thải ra biển. Mô hình này không những có hiệu quả kinh tế thấp mà rất gây ô nhiễm, phá hủy môi trường sống, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Doanh nghiệp phải quan tâm đến những cam kết về môi trường của Việt Nam trong các FTA |
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết, hiện nay để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, trong quá trình sản xuất thu gom, tái chế nguyên vật liệu, nhất là rác thải nhựa. Trong năm 2022, Duy Tân đã thu gom và tái chế 1,3 tỷ chai nhựa, xây dựng nhà máy xanh không rác thải, khí thải, nước thải, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững với 100 trạm thu gom vệ tinh, gần 2.000 nhà cung cấp nằm trong hệ thống của công ty. Để làm được điều này, Duy Tân luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt liên quan đến việc bảo vệ môi trường, xử lý, tái chế rác thải, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, đại dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020-2022 đã khiến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ gia tăng ý thức đối với phát triển bền vững, gia tăng đồng thuận và đưa ra các cam kết chính thức về phát triển bền vững (COP26, COP27...). Nhiều mô hình kinh tế mới hướng tới tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững trở thành yêu cầu tất yếu. Bản thân các doanh nghiệp cũng nhìn nhận việc chuyển đổi sang đáp ứng tiêu dùng xanh là yêu cầu quan trọng để duy trì, tăng khả năng cạnh tranh, chứ không chỉ là tập trung vào giảm giá thành.
Chính vì vậy, doanh nghiệp phải quan tâm đến những cam kết về môi trường của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới để có thể xuất khẩu và được người tiêu dùng chấp nhận. Cụ thể, các quy định trong CPTPP sẽ nâng cao dần mức độ bảo vệ môi trường và thực thi hiệu quả; không giảm nhẹ hiệu lực quy định pháp luật để khuyến khích thương mại đầu tư, tăng quyền của các bên liên quan trong bảo vệ môi trường (cơ chế kiện đòi bồi thường, khiếu nại về môi trường). Có chính sách ưu tiên các loại hàng hóa, dịch vụ thân thiện môi trường; cam kết về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, giảm phát thải; kinh doanh và quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản (IUU…). Tương tự, trong EVFTA cũng không giảm mức độ bảo vệ quyền, không giảm nhẹ hiệu lực, miễn trừ quy định pháp luật liên quan để thúc đẩy hoặc cản trở thương mại đầu tư; quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT); Chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo như đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan…
Trước đó, tại Quyết định số 889/QĐ-TTg về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đã nêu rõ, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước đã chú trọng hơn đến việc sản xuất các sản phẩm xanh ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng như gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm... từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, hữu cơ hoặc thành phần đơn giản, ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người. Sản phẩm còn có thể đáp ứng được các yếu tố như quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không chứa hóa chất độc hại, hoặc tiết kiệm năng lượng…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 687 về Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, mô hình hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Cùng với đó, tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. |