Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng quan trọng trong TMĐT
Làm sao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong chất vấn, nhiều đại biểu nêu ý kiến lo ngại về vấn đề quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT hiện nay. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, mặc dù TMĐT đang góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số, nhưng hoạt động này trong thời gian qua cũng đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và lợi dụng cả TMĐT để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản… Đặc biệt là hoạt động TMĐT trên mạng xã hội hiện nay rất phức tạp. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết các giải pháp trong thời gian tới để hạn chế và ngăn chặn các hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này nhằm hướng tới phát triển TMĐT lành mạnh và bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề nghị cơ quan quản lý cho biết hướng xử lý vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử hiện nay |
Tương tự, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến người tiêu dùng lo lắng và do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến, đề nghị cho biết giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong trả lời chất vấn cho biết, TMĐT Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức rất lớn: (i) Người tiêu dùng mất an toàn dữ liệu cá nhân; (ii) Hàng giả, hàng kém chất lượng… chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng; (iii) Còn một tỷ lệ thất thu thuế đáng kể.
Trong đó, về vấn đề an toàn dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến, nhưng thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này và đã nghiên cứu để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật này, trong đó có bổ sung nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng… “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên”, Bộ trưởng Diên kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Công an trong việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực TMĐT; đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Về giải pháp chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường TMĐT; nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước… Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ, ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT. Theo đó, tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa TMĐT để tăng cường quản lý người bán hàng nước ngoài qua kênh này; tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua TMĐT…
Quản lý rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ
Tranh luận về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường TMĐT, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường TMĐT gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp và cần phải có chế tài xử lý vi phạm, đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này để bảo vệ người tiêu dùng.
“Chia lửa” trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm về việc thu thuế và quản lý sàn TMĐT, bán hàng qua mạng. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế của sàn TMĐT. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở cổng thông tin điện tử của sàn TMĐT xuyên biên giới. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an. Trong đó, chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn TMĐT, kiểm tra đối chiếu 361 sàn TMĐT để thực hiện kết nối và quản lý. Kết quả thực hiện, năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng; năm 2023 là 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay đã thu được là 50.000 tỷ đồng. Đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tập đoàn công nghệ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, Tik Tok… thực hiện đăng ký và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới. Các đơn vị này đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế TMĐT. “Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đồng bộ việc thu thuế sàn TMĐT, cũng như đối với giao dịch trên môi trường điện tử, tập trung trọng tâm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngành thuế cũng đã có công văn tới các tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế và hỗ trợ để thực hiện thu thuế trên sàn TMĐT, đảm bảo công bằng thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết. |
Nêu các hiện tượng livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok với doanh thu một ngày có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, giá bán rẻ hơn cả đại lý, rẻ đến “hoang mang”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) trong tranh luận đặt vấn đề: Với những hình thức TMĐT như vậy thì làm sao để quản lý về chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tránh được nguy cơ hàng giả tràn lan, đồng thời đề nghị cơ quan quản lý cho biết hướng xử lý vấn đề này?
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, việc quản lý hoạt động livestream hay bán hàng trên TMĐT rất khó khăn, không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính… Giải pháp tốt nhất là bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch; đồng thời, phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; đảm bảo hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp này. Đối với các trường hợp có căn cứ và dấu hiệu vi phạm, sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức và tránh được những hiện tượng này.
“Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cho cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Cùng với đó là triển khai tổ chức thực thi những quy định của pháp luật hiện nay nhằm chống được tiêu cực và những hạn chế trong lĩnh vực TMĐT như các đại biểu đã nêu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.