Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Tọa đàm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trong đó có rất nhiều điều khoản quy định mới liên quan đến hoạt động ngân hàng. Để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực, hiện nay, Bộ Công thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Dự thảo).
Quang cảnh Toạ đàm |
Thông tin thêm về Dự thảo Nghị định này, bà Nguyễn Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia – Bộ Công thương cho biết, ngay sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội thông qua, trên cơ sở đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để bảo đảm chất lượng và tiến độ của Dự thảo Nghị định, trong thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tập trung nguồn lực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng Dự thảo Nghị định. Tọa đàm là cơ hội để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về một số vấn đề được nêu trong dự thảo Nghị định. Trên cơ sở đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ có thông tin đầy đủ, đa chiều hơn, có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Theo Kế hoạch, Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét vào tháng 12 năm 2023.
Ông Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Toạ đàm |
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh việc đưa ra cụ thể những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai là nội dung hết sức quan trọng để đơn vị soạn thảo tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 phù hợp với thực tiễn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như giúp cho tổ chức cung ứng yên tâm triển khai dịch vụ theo đúng quy định của Luật
Qua nghiên cứu nội dung Dự thảo Nghị định và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng như trên cơ sở ý kiến của hội viên, bà Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng cho biết, các TCTD đang gặp phải không ít những khó khăn vướng mắc.
Cụ thể, tạiKhoản 2 Điều 14 Dự thảo quy định: “2. Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được áp dụng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.” Hiện nay thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, tổ chức, cá nhân kinh doanh thường sử dụng website… trên mạng internet để đăng tải hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, do đó sẽ rất khó xác định hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được áp dụng trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do đó đề nghị giao Bộ Công Thương có thẩm quyền kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong phạm vi cả nước, các Sở Công thương sẽ thực hiện kiểm soát.
Cũng tại Điều 14 nhưng ở Khoản 3 Dự thảo quy định: “3. Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bao gồm việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không thuộc phạm vi phải đăng ký.” Theo bà Phương, thẩm quyền kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là của Bộ Công thương và Cơ quan bản vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc UBND cấp tỉnh (theo khoản 1 và khoản 2 Điều 14 dự thảo). Tuy nhiên đối với những hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phải đăng ký theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg (đã được sửa đổi, bổ sung) nói chung hay dịch vụ ngân hàng nói riêng Bộ Công thương được quyền kiểm soát, quyết định hủy bỏ, sửa đổi là chưa thật sự phù hợp bởi đặc thù của các ngành nghề và quy định pháp luật chuyên ngành là khác biệt.
Ngoài ra, quy định trên chưa phù hợp với tinh thần của Bộ luật dân sự khi nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt bộ luật này là “tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận”, mà các các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không nằm trong danh mục phải đăng ký theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì cần được các chủ thể khác tôn trọng theo nguyên tắc cơ bản tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015: “…Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa đổi Khoản 3 Điều 14 Dự thảo như sau: “3. Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bao gồm việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.” Hoặc đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ cơ chế, phương pháp kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không thuộc phạm vi phải đăng ký vì loại này hiện đang có rất nhiều trên thực tế.
Hay như về trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn quy định tại Điều 23 Dự thảo quy định trách nhiệm của Bộ phận đánh giá tuân thủ có trách nhiệm xây dựng Báo cáo đánh giá tuân thủ, tuy nhiên các trách nhiệm báo cáo này khá chung chung và chưa rõ nghĩa như khái niệm về kho lưu trữ quảng cáo, thuật toán. Đại diện CLB Pháp chế đề nghị cơ quan soạn thảo hướng dẫn cụ thể đối với từng nội dung tại báo cáo đánh giá tuân thủ.
Đại diện MB chia sẻ thêm, đối với quy định về người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nội dung mới, quy định chi tiết nhưng chưa xét đến trường hợp áp dụng. Đối với người tiêu dùng bị tổn thương chỉ nhận biết qua giao dịch trực tiếp có thể thực hiện được còn qua giao dịch trên không gian mạng khó nhận biết được người này có thuộc trường hợp khuyết tật hay thuộc tiêu chí người tiêu dùng bị tổn thương. Theo đề xuất của đại diện MB nên giới hạn người tiêu dùng bị tổn thương đến làm việc trực tiếp để ngân hàng nhận diện và được ứng xử riêng biệt…
Về phía Ủy ban cạnh tranh quốc gia – Bộ Công thương ghi nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tại Tọa đàm. Theo đại diện của Uỷ ban này việc đưa ra các quy định tại Dự thảo bảo đảm nguyên tắc cân bằng quyền lợi của tất cả các chủ thể có liên quan. Bộ Công thương cũng xác định rõ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng chứ không bằng mọi giá và làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp. Đại diện phía Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cũng giải thích thêm một số băn khoăn của các TCTD. Ngoài ra, cơ quan này cho biết, sẽ nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ những ý kiến đề xuất của các TCTD để đảm bảo làm sao đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của các chủ thể có liên quan.
Phát biểu kết luận Toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thông qua chia sẻ thấy rõ trách nhiệm của cả người cung ứng dịch vụ những sản phẩm tốt nhất còn người sử dụng dịch vụ phải “bảo quản” tốt sản phẩm. Nhấn mạnh Dự thảo Nghị định là một chính sách rất quan trọng ảnh hưởng trực đến cả người tiêu dùng và cả tổ chức cung ứng dịch vụ khi triển khai Luật, ông Hùng đề nghị các TCTD sớm gửi ý kiến đề xuất để VNBA tổng hợp chuyển sang cơ quan soạn thảo hoàn thiện và Nghị định sớm ban hành. Từ đó đảm bảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, bảo vệ quyền lợi chính đáng các chủ thể liên quan.