Bất cập cây xanh đô thị và giải pháp
Ảnh minh họa |
Quy hoạch “hoành tráng”, thực trạng đáng buồn
Theo nội dung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã đưa ra mục tiêu phát triển 1 triệu cây xanh vào năm 2020; quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, mục tiêu là tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Còn theo quy hoạch công viên cây xanh TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m2/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m2/người, còn khu vực ngoại thành là 12m2/người.
Cùng với những bản quy hoạch của 2 thành phố đầu tàu của cả nước, việc quy hoạch hệ thông cây xanh cũng được nghiên cứu và đưa ra cho các thành phố, các tỉnh thành lớn nhỏ trên cả nước.
Để đưa ra những bản quy hoạch “hoành tráng” cho hiện tại và tầm nhìn cho thể hệ tương lai thì các nhà soạn thảo quy hoạch cũng phải tìm tới nhiều chuyên gia, nhiều mô hình của các nước và cùng với nhiều cuộc hội thảo lớn, nhỏ.
Tuy nhiên, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam nhận định: diện tích cây xanh đô thị của các đô thị ở Việt Nam, trong đó bao gồm chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển công viên - vườn hoa chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng.
Cụ thể, tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Việc các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh… đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.
KTS. Chinh kết luận: Gần như những quy hoạch cây xanh đô thị được đưa ra đều bị phá vỡ bởi nhiều lý do.
Chỉ cần nhìn ở 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh ta thấy một thực trạng là các cây xanh ngày càng thiếu vắng nhường chỗ cho các công trình đường xá, nhà cửa.
Những con đường xanh một thời được mệnh danh là đẹp nhất Thủ đô như Láng Hạ, Phạm Văn Đồng… cây cổ thụ đã không còn. Hệ quả là những mùa nóng vừa qua người dân Thủ đô đã phải đặt tên cho những con đường rợp bóng cây trước đây thành những tuyến đường “nóng dãy”.
Với TP. Hồ Chí Minh, tình trạng cũng tương tự, như những rặng xà cừ, hàng me có tuổi đời cả trăm năm trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng Tháng tám, Phạm Ngọc Thạch… cũng đã biến mất; những khoảng không gian xanh công cộng từ các công viên cũng bị thu hẹp nhường chỗ cho các nhà hàng, các khu vui chơi giải trí, các bãi giữ xe…
Giải pháp nào cho cây xanh đô thị
Chuyên gia về phát triển đô thị của tổ chức JICA, ông Mizosicho rằng: Việc các đô thị Việt Nam thiếu cây xanh có nguyên nhân từ ý thức con người, từ người quy hoạch/quản lý đến người dân, trong việc phát triển và gìn giữ một môi trường xanh.
Còn theo TS-KTS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh: Nhìn nhận chung, quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của tập quán bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường.
Đơn cử như quy định về tỷ lệ cây xanh ở đô thị cũng như quy hoạch đều rất chuẩn nhưng thực tế những quy hoạch đó, quy chuẩn đó có ai làm không? Nó có được tuân thủ không? Điều đó sẽ quyết định từ những con người quản lý, thực thi và ý thức của người dân.
Với kinh nghiệm từ những nước như Singapore, Malaysia… thì việc cây xanh là việc của toàn thể người dân ở đô thị. Người dân có ý thức thực sự trong việc phát triển cây xanh ở chính nơi họ sinh sống, làm việc. Họ ý thức được rằng điều này có được lợi ích cho chính bản thân họ và cho công đồng.
Việc xã hội hoá phát triển cây xanh cho đô thị cũng là một hướng đi cần phải nhân rộng. Ví dụ như tại Hà Nội, một số dự án nhà ở đang là một điển hình tốt cho một khu đô thị xanh. Tại đó, chủ đầu tư đã đưa ra một bài toán đúng khi quyết định xây dựng một khu đô thị xanh, được nghiên cứu, quy hoạch với diện tích cây xanh, mặt nước chiếm tỷ lệ cao…