Bất chấp bi quan về tăng trưởng kinh tế thế giới, triển vọng với Việt Nam vẫn tích cực
Có tới 53% số CEO được phỏng vấn đã đưa ra dự đoán mức độ tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm vào năm 2020. Chỉ số này tăng vọt từ 29% của năm 2019 và từ
chỉ 5% vào năm 2018 - đánh dấu mức độ bi quan chưa từng có kể từ khi câu hỏi này được đưa ra vào năm 2012.
Tương phản với đó, con số 42% CEO dự đoán triển vọng kinh tế được cải thiện vào năm 2019 giảm xuống chỉ còn 22% vào năm 2020.
CEO Việt Nam lạc quan hơn
Kết quả khảo sát lần thứ 23 này của PwC được công bố tại Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới, tại Davos, Thụy Sĩ, cũng cho thấy trong khi cũng bi quan về tăng trưởng toàn cầu, các CEO trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (cụ thể là 49% các CEO Việt Nam) lại có quan điểm lạc quan về tăng trưởng doanh thu doanh nghiệp trong năm tiếp theo.
“Có thể thấy sự lạc quan chung giữa các CEO Việt Nam và trong khối APEC về triển vọng phát triển trong năm tới, khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến và là nguồn đầu tư nước ngoài hấp dẫn, thêm vào đó là tăng trưởng vững vàng của thị trường nội địa các quốc gia trong khu vực”, Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, cho biết.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh những bất ổn của kinh tế toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự linh hoạt và thức thời về các nhân tố ảnh hưởng để
sẵn sàng đối phó và thích ứng với những thách thức trong tương lai.”
Ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của PwC nhận định: “Về mặt tích cực, trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ mức độ bi quan kỷ lục, thì bên cạnh đó vẫn còn có những cơ hội thực sự. Với chiến lược nhanh nhạy, sự tập trung sắc bén trước những kỳ vọng đang thay đổi của các bên liên quan, cùng với với kinh nghiệm mà nhiều lãnh đạo đã đúc kết được trong bối cảnh đầy thách thức mười năm vừa qua, lãnh đạo các doanh nghiệp có thể định hướng qua giai đoạn suy thoái kinh tế này và tiếp tục vươn lên để phát triển”.
Mức độ tự tin về tăng trưởng doanh thu của các CEO sụt giảm
Các CEO cũng không mấy tích cực về triển vọng của công ty mình trong năm tiếp theo, chỉ 27% các CEO cho biết họ đang “Rất tự tin” về tăng trưởng 12 tháng tới - mức thấp nhất ghi nhận kể từ năm 2009 và suy giảm so với con số 35% của năm ngoái.
Khi được hỏi về triển vọng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp, sự thay đổi trong dự đoán của các CEO đã được chứng minh là một kim chỉ nam xuất sắc cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Những dự báo của các CEO từ năm 2008 cho thấy có mối tương quan mật thiết giữa niềm tin của các CEO đối với tăng trưởng doanh thu 12 tháng của doanh nghiệp và tăng trưởng thực tế đạt được của nền kinh tế toàn cầu (tham khảo hình 4 trong ghi chú).
Theo phép phân tích này, tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại tại mức 2,4% vào năm 2020, thấp hơn so với các ước tính trong đó có dự đoán của IMF về mức tăng trưởng 3,4% toàn cầu vào Tháng 10 vừa qua.
Gia tăng lo ngại về bất ổn tăng trưởng kinh tế
Năm 2019, trả lời về những thách thức hàng đầu cho triển vọng phát triển doanh nghiệp, bất ổn về tăng trưởng kinh tế không nằm trong nhóm 10 mối lo hàng đầu và xếp thứ 12 trong mắt các CEO. Năm nay yếu tố này đã vọt lên vị trí thứ 3, chỉ sau xung đột thương mại - một mối lo khác đang leo thang - và chính sách thắt chặt, yếu tố một lần nữa đứng đầu trong số các thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải.
Các CEOs ngày một quan ngại về rủi ro an ninh mạng, biến đổi khí hậu và thiệt hại do thiên tai, tuy nhiên bất chấp sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như căng thẳng leo thang về vấn đề này, biến đổi khí hậu vẫn bị lu mờ trước các vấn đề khác và không lọt vào nhóm 10 thách thức hàng đầu.
Kiểm soát không gian mạng
Trong khi bày tỏ quan ngại rõ rệt về chính sách thắt chặt, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng dự đoán sẽ có những thay đổi lớn về chính sách công nghệ. Hai phần ba các CEO toàn cầu tin rằng chính phủ sẽ đưa ra những điều luật mới để quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội cũng như chia tách các công ty công nghệ đang chi phối thị trường.
Phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp (51%) cũng cho rằng chính phủ sẽ đặt áp lực tài chính ngày một cao lên các công ty tư nhân về việc thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Tuy nhiên các lãnh đạo có sự phân luồng ý kiến về việc liệu chính phủ có đang cân bằng được chính sách bảo mật và riêng tư để doanh nghiệp vừa tăng cường niềm tin đối với người tiêu dùng vừa giữ được thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, cụ thể với 41% đồng tình và 43% cho rằng chưa đạt.
Chia sẻ vấn đề này, ông Phó Đức Giang, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An toàn Thông tin PwC Việt Nam, cho biết: Năm 2019 được đánh giá là không dễ dàng trên bình diện an toàn thông tin mạng và riêng tư tại Việt Nam. Số vụ vi phạm và rò rỉ dữ liệu khách hàng đã gia tăng đáng kể và Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực và trên thế giới.
“Thực tế chỉ ra rằng phần lớn dữ liệu đã không được bảo vệ một cách nghiêm túc theo các thông lệ thực hành tốt. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số, bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tiềm lực để thích nghi với các thách thức mới trong việc đáp ứng tuân thủ các quy định an toàn an ninh mạng trong nước và các chuẩn mực an toàn thông tin mạng trên thế giới”, ông Phó Đức Giang nói.
Thách thức chất lượng nguồn nhân lực
Mặc dù thiếu hụt các kỹ năng quan trọng vẫn là thách thức tăng trưởng lớn nhất đối với các CEO và đào tạo lại/nâng cao kỹ năng được cho là biện pháp tối ưu để thu hẹp khoảng cách kỹ năng, các doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều động thái để giải quyết vấn đề này. Chỉ 18% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã có “tiến triển đáng kể” trong việc xây dựng chương trình nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực.
Vấn đề này cũng được ghi nhận từ cả phía người lao động. Trong một khảo sát khác của PwC, 77% trong số 22,000 người lao động toàn cầu chia sẻ có nguyện vọng học các kỹ năng mới hoặc được đào tạo lại nhưng chỉ 33% cảm thấy họ
được trao cơ hội phát triển các kỹ năng số ngoài yêu cầu công việc.
“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại Davos và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà giáo dục, chính phủ và xã hội dân sự cần chung tay để đảm bảo mọi người trên thế giới đều được tham gia một cách hiệu quả vào những công việc xứng đáng và có ý nghĩa. Vai trò chủ chốt vẫn nằm trong tay các nhà lãnh đạo. Người lao động lo lắng về tương lai, họ muốn học hỏi, phát triển và đang trông cậy vào định hướng của các nhà lãnh đạo”, Bob Moritz chia sẻ.
Biến đổi khí hậu - thách thức hay cơ hội?
Mặc dù biến đổi khí hậu không xuất hiện trong danh sách mười mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng, các CEO đang ngày một đánh giá cao lợi ích mà những nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon mang lại.
So với một thập kỷ trước khi lần đầu tiên chúng tôi đưa ra câu hỏi này, giờ đây có gấp đôi các CEO có xu hướng “đồng tình mạnh mẽ” rằng các sáng kiến về biến đổi khí hậu sẽ tăng cường các lợi ích về truyền thông (30% ở năm 2020 so với 16% vào năm 2010) và 25% các CEO ngày nay, so với 13% vào năm 2010, nhận thấy các sáng kiến biến đổi khí hậu mang lại cơ hội mới cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.