Bất động sản công nghiệp chuyển đổi xanh
Các doanh nghiệp đua nhau đầu tư, mở rộng khu công nghiệp Nguồn vốn FDI dồi dào thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp Dòng vốn FDI đổ vào bất động sản công nghiệp |
Hầu hết các dự án khu công nghiệp hiện hữu đều được phát triển theo mô hình truyền thống. |
Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu
ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, vì những yếu tố này không chỉ phản ánh việc thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của mỗi tổ chức. Thực tế cho thấy, áp dụng các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tích cực, nâng cao uy tín.
Các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội buộc doanh nghiệp phải tuân thủ để tránh rủi ro pháp lý và các khoản phạt. Ví dụ, trong Báo cáo Tính Bền vững Doanh nghiệp (CSRD), Liên minh châu Âu đã yêu cầu khoảng 50.000 công ty đang hoạt động tại trong thị trường này phải công bố chi tiết các biện pháp bền vững.
Theo ông Thomas Rooney - Quản lý cấp cao Bộ phận Bất động sản Công nghiệp (Savills Hà Nội): Người tiêu dùng hiện đại có xu hướng ủng hộ các thương hiệu có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu ESG. ESG cũng giúp các công ty quản lý rủi ro tốt hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, các sự cố môi trường và bất ổn xã hội, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.
Theo “làn sóng” ESG toàn cầu, các chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững. Công nghiệp xanh với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên ngày càng được chú ý. Những khu công nghiệp này được thiết kế giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ tiên tiến... từ đó giảm thiểu tác động đến môi trường. “Phát triển khu công nghiệp xanh đồng nghĩa với việc tham gia vào các hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường với mục tiêu giảm lượng phát thải carbon về 0”, ông Thomas phân tích thêm.
Nổi bật, nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng khởi xướng một dự án hợp tác với Bộ Khoa học, Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chuyển đổi các Khu Công Nghiệp Tập Trung (OIZs) truyền thống thành các Khu Công Nghiệp Sinh Thái (EIPs) thông qua việc phát triển khung EIP quốc gia. Dự án đã hợp tác với Khu Công Nghiệp Izmir Ataturk để khám phá các cơ hội kỹ thuật cho việc chuyển đổi.
Mục tiêu của dự án là nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cho khu công nghiệp này thông qua việc giảm chi phí vận hành doanh nghiệp bằng cách nâng cấp hiệu quả của nguồn nước và năng lượng. Cụ thể như áp dụng hệ thống giặt liên tục với dòng nước/ vải ngược chiều sau các quy trình nhuộm và in ấn có thể giúp tiết kiệm 16.100 m³ nước và 644.000 kWh điện mỗi năm.
Ông Thomas Rooney nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghiệp xanh ngày càng được chú ý, các chứng chỉ khu công nghiệp xanh như LEED, EDGE, Green Mark... sẽ giúp các doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong quá trình chuyển đổi. Chứng chỉ đánh giá các khu công nghiệp dựa trên nhiều tiêu chí, từ hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm nước, cho đến giảm thiểu chất thải và khí thải.
Việt Nam không nằm ngoài “cuộc chơi”
Vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về không gian, kho bãi để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh. Do đó, bất động sản công nghiệp vẫn được dự báo là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. Trong đó, theo một khảo sát của KPMG với sự tham gia của 200 doanh nghiệp FDI, bên cạnh các yếu tố vị trí, nguồn lao động hay hạ tầng logistics, các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty FDI khi chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, các khu công nghiệp xanh ở Việt Nam có lợi thế hơn so với khu công nghiệp truyền thống nhờ được ưu tiên hỗ trợ về công nghệ, xuất khẩu, thương hiệu, chuỗi giá trị và vay ưu đãi theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP.
Tại Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được hình thành từ năm 2014 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UNIDO triển khai chuyển đổi 4 khu công nghiệp thí điểm sang khu công nghiệp sinh thái. Từ năm 2020 đến 2024, mô hình này được nhân rộng tại Hải Phòng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, góp phần tăng trưởng GDP từ 0,8%-7% và giảm khí thải từ 8%-70%. Dự kiến, đến năm 2030, khoảng 40-50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái. 8-10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.
Dẫn đầu về xu hướng này ở Việt Nam là các khu công nghiệp VSIP và DEEP C. Những đơn vị này đang sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái để cung cấp điện cho một phần khu công nghiệp.
Dựa trên dữ liệu sơ cấp trong quá trình làm việc với khách hàng, ông Thomas Rooney chia sẻ: “Khoảng 80-85% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn ESG khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững. Để có thể cạnh tranh hiệu quả với các thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines, và Indonesia, nơi đã phát triển thành công nhiều dự án khu công nghiệp xanh, chúng ta cần đáp ứng nhu cầu này. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của chúng ta trên thị trường toàn cầu”.
Hiện nay, có 4 trên tổng số khoảng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái. Số lượng còn hạn chế nhưng nhu cầu với loại hình bất động sản này trên đà tăng trưởng cho thấy việc phát triển các khu công nghiệp xanh hiện đang ở thời kì đầu và là câu chuyện dài hạn.
Ông Thomas Rooney lý giải: “Hầu hết các dự án khu công nghiệp hiện hữu đều được phát triển theo mô hình truyền thống, chưa được áp dụng nhiều giải pháp thiết kế theo hướng bền vững. Việc chuyển đổi một khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường không đơn giản vì chi phí tốn kém và cần sự xem xét kỹ lưỡng của Chính phủ về khung pháp lý. Chi phí xây dựng các khu công nghiệp xanh thường cao hơn khoảng 30% so với các khu công nghiệp truyền thống. Cần có thêm những chính sách ưu đãi cùng với việc áp dụng hỗ trợ tín dụng cho các nhà đầu tư giúp giảm gánh nặng chi phí ban đầu”.