Bất động sản công nghiệp tăng trưởng tích cực
Ba nút thắt bất động sản công nghiệp cần tháo gỡ trong thời gian tới Sức hút của bất động sản công nghiệp phía Bắc Bất động sản sắp bước vào chu kỳ mới |
Năm 2023, thị trường bất động sản công nghiệp ghi nhận nhiều dự án khởi công |
Giá thuê tăng nhẹ
Theo ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, khung pháp lý, quy định hành chính ngày càng hoàn thiện và các biện pháp ổn định thị trường bất động sản đã phần nào đem lại niềm tin cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đã tìm kiếm và mở rộng danh mục đầu tư bất động sản tại Việt Nam trong suốt hai năm qua khi thị trường giảm tốc. Các phân khúc được chú ý gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, công nghiệp và khách sạn.
Dù biến động làm trì hoãn một số giao dịch, nhìn chung phân khúc bất động sản công nghiệp đã có một năm hoạt động tương đối suôn sẻ với hầu hết chỉ số tăng trưởng tích cực. Trên khắp cả nước, giá thuê đất ổn định, thậm chí tăng nhẹ tại Hà Nội, với tỷ lệ lấp đầy cao.
Tính đến hết 2023, giá thuê đất công nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh đạt trung bình 232 USD/m2/kỳ hạn. Khách thuê lấp đầy 93% tổng diện tích, tăng nhẹ so với cuối 2022. Tại Hà Nội, giá thuê trung bình đạt 188 USD/m2/kỳ hạn với tỷ lệ lấp đầy ở mức 90%. Chính quyền cả hai thị trường đã lập kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu sang những mô hình công nghiệp mới, hiện đại hơn nhằm phục vụ các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại và giá trị cao. Chẳng hạn, việc thành lập Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP.Hồ Chí Minh và Tổ hợp Techno Park Việt Nam – Hàn Quốc tại Hà Nội.
Ông Vũ Minh Chí – Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam nhận xét, theo làn sóng chuyển địa điểm sản xuất và cơ sở hậu cần đến Việt Nam, các thị trường bất động sản công nghiệp ở phía Bắc gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Thái Bình sẽ được hưởng lợi. Ở miền Nam, 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh có thể trở thành những điểm nóng công nghiệp tương lai.
Một số xu hướng trung và dài hạn đang thay đổi nguồn cung bất động sản công nghiệp bao gồm phát triển bền vững, thị trường bán lẻ tập trung vào người tiêu dùng, sự tăng tốc của thương mại điện tử, phương thức quản lý hàng tồn kho chuyển từ kịp thời sang dự phòng, và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Phát triển khu công nghiệp theo mô hình sinh thái
Việt Nam đang trên đường gia nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD, khi đang là điểm đến được quan tâm của nhiều hãng sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới. Cụ thể, Intel đang đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của hãng tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, nhà máy này chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu.
Synopsys (trụ sở tại California) triển khai một trung tâm ươm tạo và thiết kế chất bán dẫn phối hợp với Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh. Marvell - một trong những tập đoàn dẫn đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn cũng thành lập một trung tâm thiết kế chất bán dẫn đẳng cấp thế giới tại TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD.
Việt Nam có cơ hội tiếp cận tốt hơn nguồn cung FDI từ thị trường phương Tây nhờ vào việc dịch chuyển và mở rộng nhà máy của các công ty lớn. Cụ thể, tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương.
Ông Vũ Minh Chí cho biết, phát triển KCN theo mô hình sinh thái được xem là tất yếu nhằm giảm thiểu những tác hại cho môi trường, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, giúp đạt hiệu quả cao trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút nguồn vốn FDI. Ngoài ra, việc quy hoạch các KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại luôn được các thương hiệu lớn quan tâm, điển hình như chuỗi các KCN VSIP (Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bình Định, Cần Thơ), KCN DEEP C (Hải Phòng, Quảng Ninh),…
Đơn cử, VSIP Group đã chính thức khởi động dự án KCN Vĩnh Thạnh – VSIP Cần Thơ giai đoạn 1. KCN này được định hướng xây dựng theo mô hình KCN thông minh và bền vững, trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.