Bất động sản du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Hội nghị tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp bất động sản và địa phương, các ngành nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản nông - lâm - ngư nghiệp phục vụ ngành du lịch.
Một trong các vấn đề quan trọng là: sự đồng bộ về luật, cơ chế chính sách đến quy hoạch và chương trình đầu tư phát triển, quản lý giữa các lĩnh vực Du lịch - Bất động sản - Nông nghiệp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp được Chính phủ quan tâm đã tạo động lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị |
Ông Nguyễn Văn Chung - Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trong nông nghiệp là hết sức cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 02 ngày 28/2/2020 quy định tiêu chí kinh tế trang để thay thế, trong đó hướng dẫn một số nội dung về phân loại trang trại, tiêu chí kinh tế trang trại. Tuy nhiên, do chỉ là Thông tư hướng dẫn của Bộ nên còn một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích kinh tế trang trại và quy định về công tác quản lý nhà nước đối với trang trại chưa được đề cập đến; việc phân loại trang trại và những tiêu chí đối với kinh tế trang trại tại Thông tư mới chỉ quy định đối với các lĩnh vực chuyên ngành về nông nghiệp, trong khi đó nhiều trang trại đã kết hợp các hoạt động du lịch và phi nông nghiệp khác dẫn đến quản lý khó khăn trong thực tế.
Theo ông Nguyễn Văn Chung, phần lớn các trang trại hiện nay phát triển còn mang tính tự phát, quy mô sản xuất (đất đai, lao động, vốn) của nhiều trang trại còn nhỏ. Sản phẩm của trang trại chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm chưa cao và không ổn định, sản phẩm hàng hoá bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu.
Một số trang trại ngoài hoạt động nông nghiệp còn kết hợp hoạt động du lịch hoặc sản xuất phi nông nghiệp, tuy nhiên các hoạt động này hầu hết phát triển tự phát, không có quy hoạch, không tuân thủ quy định về đất đai, xây dựng, trong đó các trang trại kết hợp du lịch hầu hết chưa có giấy phép hoạt động du lịch, lao động không được đào tạo nên thiếu kiến thức và kỹ năng về du 1ịch.
Ông Chung cho biết, hoạt động phát triển du lịch nhưng chưa có quy định cụ thể cho việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp và cho phép các trang trại được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp dẫn đến việc nhiều trang trại “lách luật” xây dựng các công trình tạm bợ vừa mất mỹ quan vừa hạn chế hiệu quả sử dụng.
Theo ông Chung, cần phân loại trang trại thành 2 nhóm: Trang trại chuyên ngành nông nghiệp và trang trại tổng hợp, trong đó trang trại tổng hợp bao gồm cả trang trại kết hợp du lịch và hoạt động khác ngoài nông nghiệp.