Bến Tre: Đề xuất dành 106 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững
UBND tỉnh Bến Tre vừa có báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững 6 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch thực hiện năm 2025.
Theo đó, địa phương này cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024 tổng nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại Bến Tre đạt khoảng 1.341,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí khoảng 128,67 tỷ đồng (từ nguồn vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bến Tre đã giải ngân khoảng 22,65 tỷ đồng, bố trí vốn cho khoảng hơn 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương, trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre cũng đã huy động được khoảng 300 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Quỹ vì nghèo và 900 tỷ đồng vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh địa phương để phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Hiện toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 10.600 hộ nghèo, chiếm khoảng 2,63% dân số toàn tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2024, địa phương này sẽ giúp cho khoảng 9.100 hộ dân thoát nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,25% dân số toàn địa phương. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện vay tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre.
Bến Tre phấn đấu đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn |
Trong năm 2025, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh xuống còn 2% so với số hộ toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ phát triển hạ tầng tại 17 xã khu vực kinh tế khó khăn các vùng bãi ngang, ven biển; phấn đấu 100% hộ nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường, lớp theo quy định.
Để đạt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bến Tre đề xuất tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại địa phương năm 2025 là khoảng 106 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 96,35 tỷ đồng.
Nguồn vốn này sẽ được địa phương bố trí bổ sung cho các dự án đang thực hiện, như: Dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn; dự án Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững; dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; dự án Phát triển giáo dcụ nghề nghiệp và việc làm cho người nghèo…