Biến thách thức thành cơ hội
Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam:
Đây là thời điểm rất thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi cho rằng, có ba áp lực lớn đã gây ảnh hưởng trong năm 2022 và có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: Áp lực lạm phát kéo dài; các điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt và xấu hơn; Nguy cơ suy giảm tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn.
Ông Andrea Coppola |
Triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém và rủi ro gia tăng có thể tác động quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam: lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm đi trong năm 2023. Do đó, nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng quan trọng đặt ra là làm sao để vừa giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, đồng thời biến tình hình đầy thách thức này thành cơ hội hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa quản trị kinh tế, giữ ổn định vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Để giải quyết áp lực tỷ giá do việc thắt chặt tiền tệ của Fed, NHNN có thể xem xét điều hành linh hoạt hơn nữa tỷ giá hối đoái, bao gồm cả khả năng tăng hơn nữa biên độ giao dịch của tỷ giá tham chiếu. Do áp lực tỷ giá tồn tại dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp chỉ nên được sử dụng rất thận trọng để bảo toàn dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, trong trường hợp lạm phát tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng, NHNN có thể xem xét sử dụng công cụ lãi suất. Tuy nhiên, dư địa chính sách tiền tệ còn lại không nhiều nên việc phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa sẽ giúp giảm thiểu sự cần thiết phải tăng thêm lãi suất. Trong trung hạn, các nhà chức trách có thể hiện đại hóa chính sách tiền tệ thông qua thúc đẩy quá trình chuyển đổi dần dần sang cơ chế điều hành theo lạm phát mục tiêu.
Để giải quyết các thách thức về thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng, trong trường hợp một số ngân hàng trở nên dễ bị tổn thương hơn, NHNN có thể hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp với điều kiện các NHTM có kế hoạch khôi phục vị thế thanh khoản thỏa đáng. Trong trung hạn, cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém cần được tăng cường để giúp củng cố sự ổn định tài chính. Đồng thời, khung giám sát hợp nhất cần mạnh hơn để giám sát và đánh giá hiệu quả rủi ro hệ thống trên các thị trường, bao gồm ngân hàng, thị trường vốn và các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản.
Để tiếp tục củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn, cần hướng đến cải cách để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực vốn sản xuất, vốn nhân lực và vốn tự nhiên; thúc đẩy phân bổ vốn hiệu quả, khuyến khích cạnh tranh thông qua cơ chế cho phép dễ dàng gia nhập và rời khỏi thị trường; thúc đẩy một môi trường kinh doanh thuận lợi. Riêng đối với nguồn nhân lực, Việt Nam đã đạt thứ hạng cao về giáo dục cơ bản, nhưng kỹ năng kỹ thuật nghề nghiệp chưa được tương xứng. Do đó, việc nâng cấp kỹ năng sẽ giúp tăng lương, thu nhập cho người lao động và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.