Bình Dương: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 8,3% so với cùng kỳ
Cũng theo UBND tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng, đạt 174.820 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 uớc tăng 17,6% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,876 tỷ USD.
Ông Võ Anh Tuấn thông itin tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương |
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương nhận định, trong thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành đạt mức tăng khá; khu vực dịch vụ có nhiều bước khởi sắc khi hầu hết các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí sôi động trở lại; sản xuất nông nghiệp ổn định, một số hàng hóa nông sản có năng suất, chất lượng và giá cả hợp lý, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hàng hóa trên địa bàn tỉnh được cung ứng đảm bảo nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát...
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ ra những khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng của Bình Dương như sản xuất và xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ,… chững lại từ những tháng cuối năm 2022 cho đến nay do thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng; giá cả sản phẩm chăn nuôi vẫn thấp trong thời gian dài nên một số hộ dân, doanh nghiệp chăn nuôi hạn chế việc tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục gặp nhiều khó khăn mới: đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cập vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, khách hàng, đối tác…
Dù còn nhiều khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn tăng |
Theo ông Tuấn, để khắc phục khó khăn, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung điều tiết, bảo đảm ổn định nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu công nghiệp và đầu tư mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch; hoàn thiện chính sách di dời doanh nghiệp từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc.
“UBND tỉnh sẽ tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Song song đó, tỉnh sẽ nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng, góp phần tiêu thụ hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu; chuẩn bị các điều kiện để tháng 9 sẽ tổ chức chuyến tàu chở hàng hóa từ ga Sóng Thần đến ga Đồng Đăng để xuất khẩu sang Trung Quốc… UBND tỉnh cũng sẽ tổ chức các hoạt động đối ngoại, các hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại với Nhật Bản, Singapore và một số đối tác lớn của tỉnh”, ông Anh Tuấn cho biết.