Bình Dương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng trên 8,7%
Theo đó, cơ cấu nội ngành công nghiệp cơ bản có chuyển biến tích cực, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng; chuyển đổi dần các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng hoạt động nên chỉ số sản xuất công nghiệp ước chỉ tăng 5,95% so với năm trước (năm 2022 tăng 8,8%, kế hoạch tăng > 8,7%)…
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương |
Đối với hoạt động các khu công nghiệp, theo UBND tỉnh Bình Duong, tổng vốn đầu tư xây dựng thực hiện đạt 3.697 tỷ đồng (bằng với cùng kỳ). Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ các thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp VSIP 3, khu công nghiệp Cây Trường… Đến nay, toàn tỉnh có có 29 khu công nghiệp, diện tích 12.663 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 92,2% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%.
Để phục vụ phát triển kinh tế các khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết sẽ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ: Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 185.000 tỷ đồng, bằng 34% GRDP của tỉnh năm 2024, và tăng 11% so với năm 2023. Tập trung các giải pháp để huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư; lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư nhân; Quy hoạch quỹ đất và thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa phát triển kết cấu hạ tầng, công trình văn hóa, y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khẩn trương triển khai các dự án giao thông trọng điểm với các dự án mang tính chất kết nối vùng như Vành đai 3, nâng cấp Quốc lộ 13; khởi công Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường ven sông Sài Gòn, cảng An Tây, cảng An Sơn; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu; tiếp tục nghiên cứu phát triển đường sắt hàng hóa từ Bàu Bàng về Cảng Cái Mép, đường sắt đô thị từ Suối Tiên về thành phố mới Bình Dương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp gắn với phát triển hạ tầng đô thị và hội nhập quốc tế, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế; Tiếp tục rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn sớm đi vào khởi công, hoạt động; Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch điện tử, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo. Tỉnh phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng trên 8,7% so với cùng kỳ.
“Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng quy hoạch và từng bước hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo các trục giao thông cao tốc liên kết vùng, theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Trước mắt, khẩn trương phát triển tổ hợp công nghiệp - khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng và đầu tư cụm công nghiệp khoảng 1.500 ha phục vụ thí điểm di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ địa phươnẹ phía Nam lên địa phương phía Bắc gắn với hỗ trợ các doanh nghiệp đâu tư chuyển đổi dây chuyền sản xuất, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết.