Bình Phước: Tăng tốc chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, trang trại
Theo lãnh đạo ngành thông tin và truyền thông tỉnh Bình Phước, thời gian qua, công tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng số thuộc các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số chưa hoàn thành; triển khai phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra.
Các giải pháp công nghệ mới đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu tương đối lớn, không phải đơn vị nào cũng có sẵn nguồn nhân lực để thực hiện, trong khi nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế. Ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh, hạ tầng internet và các dịch vụ công nghệ thông tin chưa phát triển đầy đủ, gây khó khăn cho việc kết nối và sử dụng các ứng dụng số, giải pháp số…
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết sẽ tìm các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số các doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại |
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh Bình Phước đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, mục tiêu phát triển đến năm 2025, kinh tế số phấn đấu chiếm 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm từ 07 - 10% trong tổng GRDP của tỉnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông (ICT), các hoạt động “kinh tế số nền tảng” trên mạng internet và kinh tế số ngành.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã và đang tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại thực hiện chuyển đổi số trong quá trình sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như: ứng dụng công nghệ 4.0, IoT trong sản xuất, tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT), truy xuất nguồn gốc sản phẩm; số hóa lĩnh vực thủy lợi nước sạch nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (điều, cao su, tiêu, cà phê, cây ăn trái...), các sản phẩm OCOP; tổ chức các phiên chợ không dùng tiền mặt, các hội nghị, hội thảo, tập huấn kiến thức, phần mềm, ứng dụng để thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị giới thiệu các gải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Phước |
Tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ 05 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Có khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm). Toàn tỉnh có tổng số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử (Shopee, Sendo, Lazada, Tiki…) trên 1,1 triệu giao dịch, với số tiền giao dịch thành công ước 236.744 tỷ đồng… Riêng Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ được 99 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 390 sản phẩm tham gia chào bán sản phẩm trên sàn.
“Thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ phối hợp các đơn vị tháo gỡ những nút thắt, tìm kiếm giải pháp đột phá, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương; từng người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Qua đó, tìm kiếm các giải pháp, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số của tỉnh và giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại tiếp cận các dịch vụ, nền tảng, giải pháp chuyển đổi số hữu ích, để nâng cao năng suất, giảm chi phí, mở rộng thị trường, tạo ra những cú hích mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh”, ông Quang nói.