Bình Thuận: Dư nợ cho vay nửa đầu năm gần 82 nghìn tỷ đồng
Theo thông tin từ NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận, ước tính đến cuối tháng 6/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng hơn 54.850 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng tăng chậm hơn so với huy động, ước đạt khoảng 81.909,6 tỷ đồng, tăng 2,55% so với đầu năm.
Trong tổng số dư nợ tín dụng kể trên, các tổ chức tín dụng tại Bình Thuận cho vay nhiều nhất vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn (44.060 tỷ đồng, chiếm 53,79% tổng dư nợ) và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (dư nợ khoảng 16.853 tỷ đồng, chiếm 20,58%).
Tính đến cuối tháng 5/2023, ngành Ngân hàng tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (theo các chỉ đạo của NHNN) đối với 327 khách hàng, tổng dư nợ được hỗ trợ là 75 tỷ đồng.
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đến nay doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng tại Bình Thuận đạt khoảng 246,48 tỷ đồng với 14 khách hàng. Số tiền lãi vay đã hỗ trợ cho khách hàng là 713,6 triệu đồng.
Các ngân hàng tại Bình Thuận đều đã không còn nợ xấu nội bảng đối với các khoản cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP |
Riêng đối với chương trình tín dụng thủy sản (cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP), tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023 dư nợ (nội bảng) của các ngân hàng tại Bình Thuận đạt khoảng hơn 73,5 tỷ đồng. Các ngân hàng tại Bình Thuận đều không còn nợ xấu (nội bảng) của phần dư nợ cho vay theo chương trình này do có khoảng gần 14,4 tỷ đồng dư nợ của 21 chủ tàu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Bên cạnh tín dụng thương mại, tính đến hết tháng 5, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tại Bình Thuận đã cho vay khoảng gần 4.200 tỷ đồng theo các chương trình tín dụng ưu đãi. Trong đó, cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đạt 164,3 tỷ đồng với 438 hộ gia đình; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 4,6 tỷ đồng với 73 khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến (theo Nghị quyết số 11/NQ-CP) là 15,5 tỷ đồng với gần 1.100 khách hàng.