Bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, CMND: Đơn giản, thuận tiện và hiệu quả
Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại sổ hộ khẩu (Ngày 27/6/1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu kèm Nghị định 104/CP), chứng minh nhân dân (CMND) đã chính thức chấm dứt sứ mạng lịch sử của mình bằng Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 30/10/2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú, sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. Tương tự, việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn "sổ tạm trú" mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với việc bỏ "sổ hộ khẩu", các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.
Theo Nghị quyết thì đến cuối năm 2018 hoặc chậm nhất là đầu 2019, công dân khi làm thủ tục hành chính sẽ không cần phải mang theo sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, mà chỉ cần cung cấp 3 thông tin chính: họ tên, mã số định danh cá nhân và chỗ ở là sẽ được giải quyết.
Anh Bùi Đức Thắng (Thanh Xuân) chia sẻ, sử dụng một mã số định danh để quản lý dân cư là cách làm tiến bộ, mang tính đột phá. Nó cũng giúp người dân giảm tải nhiều thủ tục hành chính như xin học, mua bán nhà đất… bên cạnh đó, mã số định danh cũng giúp nhiều người tiếp cận được các dịch vụ công nhanh hơn như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (hiện nhiều người không có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh khó tiếp cận được các dịch vụ bảo hiểm này). Việc chấm dứt sứ mạng của sổ hộ khẩu cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận của người dân, cơ quan chức năng đối với nhiều thủ tục hành chính.
Theo Bộ Công an, đầu năm 2019, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ đi vào vận hành, đảm bảo phục vụ hữu hiệu cho công tác quản lý nhà nước. Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay.
Như vậy, công dân không phải mất thời gian đi chứng thực hay xin xác nhận của xã, phường. Tự thân sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị vì các ngành đã có cơ sở dữ liệu để xác nhận mà không cần công dân mang theo hộ khẩu.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Bắc Giang) thẳng thắn, việc sử dụng mã số định danh sẽ giảm tải nhiều giấy tờ cho người dân, đặc biệt là trong các thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch. Người dân sẽ chỉ cần có số định danh công dân là lý lịch được xác minh nhanh chóng.
Trước kia, nếu đi làm xa muốn về xác minh lý lịch là điều rất “khổ” khi phải đi lại nhiều lần, tôi hy vọng số định danh sẽ giúp người dân tránh được việc này. Mặt khác, sổ hộ khẩu trước kia đã “gánh” quá nhiều các thủ tục như điện, nước, viễn thông, học tập… thì nay, số định danh cũng sẽ giúp công dân xóa bỏ những rào cản phi lý ấy.
Có thể thấy, cùng với việc xóa bỏ hàng trăm thủ tục hành chính của các bộ, ngành mới đây việc Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 112/NQ-CP một lần nữa khẳng định quyết tâm đổi mới, kiến tạo mà Chính phủ đang theo đuổi. Xóa bỏ sổ hộ khẩu là xóa bỏ tư duy quản lý cũ, lỗi thời xóa bỏ nhiều thủ tục “ăn theo” số hộ khẩu đã cố hữu thay vào đó là cách quản lý mới sâu sát hơn nhưng cũng đầy thông thoáng để người dân tiếp cận nhanh chóng, đầy đủ hơn các dịch vụ công ích.