Bỏ cấp phép ca khúc trước 1975: Thêm động lực cho hoạt động âm nhạc
“Dậy sóng” khi bị cấm
Liên quan đến việc cấp phép ca khúc trước 1975, ngược dòng thời gian, sự việc này từng khiến các nghệ sĩ và công chúng bức xúc. Cụ thể, vào tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có lệnh cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 vốn đã rất quen thuộc với công chúng cả nước, đó là Cánh thiệp đầu xuân (sáng tác Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Có lệnh cấm này bởi theo cơ quan chức năng, dù đã được cấp phép lưu hành trước đó nhưng lời bài hát đã bị sửa, có những tác phẩm không đúng tác giả?!
Cũng thời gian trên, 4 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gồm: Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ và Đêm thấy ta là thác đổ không có trong “danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến”. Điều này khiến không ít người bất ngờ và bức xúc vì 4 bài hát trên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được hát tại rất nhiều chương trình ca nhạc trong và ngoài nước. Các ca khúc trên chưa được cấp phép vì chưa có cá nhân, đơn vị tổ chức nào chủ động làm hồ sơ gửi lên Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Nghị định 144 vừa được Chính phủ ban hành, bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975 |
Hai sự việc ấy đã tốn rất nhiều bút mực của báo giới thời điểm đó, cũng như nhiều nhạc sĩ, ca sĩ lên tiếng phản đối vì sự cứng nhắc và chưa thấu tình đạt lý. Các ý kiến đều cho rằng, những ca khúc sáng tác trước 1975 kể trên đều có nội dung về tình yêu đôi lứa, tình cảm con người, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước... thì thời đại nào, chế độ nào cũng có, nên không thể cấm đoán. Rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ và những người yêu âm nhạc lúc đó mong muốn cơ quan làm công tác quản lý cấp phép, phổ biến, lưu hành ca khúc nên điều chỉnh cách ứng xử với nghệ sĩ và tác phẩm của họ để phù hợp với chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nếu cứ suy diễn thì bất cứ tác phẩm nào cũng có thể bị cấm. Trước những ý kiến của dư luận, Cục Nghệ thuật biểu diễn ngay sau đó đã thu hành lệnh cấm 5 ca khúc và cập nhật 4 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào danh mục trước 1975.
Xóa bỏ cấp phép để thúc đẩy sáng tạo
Theo Nghị định 144 vừa được ban hành và có hiệu lực từ 1/2/2021, Chính phủ bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975. Trước đó, theo Nghị định 79 quy định lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phải nộp một bộ hồ sơ xin cấp phép đến Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Hồ sơ phải có đơn đề nghị cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bản sao bản nhạc hoặc kịch bản sân khấu (có chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả), bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của tác giả (đối với cá nhân đề nghị cho phép phổ biến), bản sao chứng thực văn bản nhận xét của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại (đối với cá nhân đề nghị phổ biến lần đầu), bản ghi âm có nội dung tác phẩm… Quy định này dẫn đến việc tác giả hoặc gia đình tác giả phải đi xin phép hát từng bài hát một, từ đó bộc lộ những hạn chế nhất định và kìm hãm sự sáng tạo cũng như hoạt động biểu diễn âm nhạc.
Tới Nghị định 144 vừa ban hành thì các quy định trên đã được xóa bỏ, thay vào đó, theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhà nước sẽ quản lý tác phẩm bằng cách hậu kiểm. Mọi tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và sân khấu không vi phạm vào Điều 3 của Nghị định 144 và phải thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan. Quy định tại Điều 3 Nghị định 144 chỉ rõ 4 điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Thứ nhất, cấm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thứ hai, cấm xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Thứ ba, cấm kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. Thứ tư, cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội. Việc bỏ một số thủ tục cấp phép kể trên, theo ông Trần Hướng Dương “là đúng tình hình thực tiễn, thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực sáng tác cũng như hoạt động biểu diễn”.
Theo nhạc sĩ Vinh Sử, việc bỏ cấp phép ca khúc trước 1975 sẽ tạo nên nguồn cảm xúc tốt cho ca sĩ khi trình diễn, sẽ càng làm người nhạc sĩ và ca sĩ thoải mái tinh thần hơn để có thêm tác phẩm chất lượng. Trong khi đó, ca sĩ Lệ Quyên đánh giá, bỏ quy định cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 mà chỉ ngăn chặn những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, chống phá nhà nước, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, đi ngược lại lợi ích của quần chúng, thì bản thân mỗi ca sĩ khi lựa chọn và trình diễn ca khúc sẽ tự tìm hiểu và đánh giá tác phẩm để có bài hát hay nhất gửi đến người xem.