Bộ Tài chính: tiếp tục đảm bảo các cân đối ngân sách, hoàn thiện Quỹ bình ổn xăng dầu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo |
Cân đối ngân sách tiếp tục được đảm bảo
Về tình hình thực hiện dự toán NSNN và công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 89,6 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán, bằng 63,2% (giảm 52,2 nghìn tỷ đồng) so mức thu bình quân 8 tháng.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 73,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán, bằng 62,9% mức thu bình quân 8 tháng; Thu từ dầu thô ước đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán, bằng 110,9% mức thu bình quân 8 tháng; Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 26 nghìn tỷ đồng, bằng 6,1% dự toán , bằng 52% mức thu bình quân 8 tháng.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng thu NSNN ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 77,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 72,6% dự toán).
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.013,7 nghìn tỷ đồng, bằng 76% dự toán, giảm 3,2% so cùng kỳ năm 2022; Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 46 nghìn tỷ đồng, bằng 109,5% dự toán, giảm 22,5% so cùng kỳ năm 2022; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 163,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5% dự toán, giảm 26,3% so cùng kỳ năm 2022.
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 9 tháng đạt trên 76% dự toán; 11/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 52 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.
Trong tháng 9, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 102,9 nghìn tỷ đồng).
Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng giảm so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15/9/2023 đạt 461,1 tỷ USD, giảm 11,9%; trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 18,8% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, tác động làm giảm nguồn thu NSNN khoảng 34 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.
Về chi NSNN, tổng chi cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 156 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 9 tháng đạt khoảng 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán, tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 363,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 43,5% (khoảng 110,2 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 72,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán, giảm 0,3% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, bằng 68,4% dự toán, tăng 5,7% so cùng kỳ.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 707 nghìn tỷ đồng. Tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) khoảng 53,81 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết là 745,5 nghìn tỷ đồng, đạt 105,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 97,82%); còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương chưa phân bổ chi tiết 15,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 26/9/2023, đã thực hiện phát hành 243,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,44 năm, lãi suất bình quân 3,38 %/năm.
Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính đã trả lời về việc BIDV Long Biên đã tự động cấn trừ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Theo thông tin Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đưa ra, công ty đã có công văn về việc BIDV Long Biên đã trích thu nợ tự động của công ty này số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà. Công ty này khẳng định việc làm này là không đúng quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83).
Ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Đối với trường hợp Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà), theo ông Bình, thương nhân đầu mối Hải Hà đã thực hiện việc báo cáo số tài khoản về Bộ Công Thương. Hàng tháng có báo cáo về trích chi số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho cơ quan điều hành. Về việc BIDV Long Biên đã tự động cấn trừ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của thương nhân Hải Hà, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước phối hợp chỉ đạo và giải quyết vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, tình hình trích lập, hình thành, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được triển khai đầy đủ khuôn khổ pháp lý… Tuy nhiên, diễn biến của tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp trong thời gian gần đây cũng đặt ra cho cơ quan quản lý làm sao phải làm tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn việc sử dụng quỹ này.
“Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý giá phối hợp với các đơn vị liên quan để có thể rà soát, xem xét các quy định hiện hành, diễn biến trên thực tế để đề xuất cấp có thẩm quyền để bổ sung, chỉnh sửa quy định Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp trên tinh thần chặt chẽ, đúng mục đích và minh bạch”, thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.