Bốn quan chức Fed ủng hộ việc tiếp tục cắt giảm lãi suất
Quan chức Fed chia rẽ về mức cắt giảm lãi suất vừa qua Fed nên giảm tốc độ nới lỏng |
Bốn quan chức Fed ủng hộ việc tiếp tục cắt giảm lãi suất |
Ba trong số họ, với lý do nền kinh tế mạnh mẽ và triển vọng không chắc chắn, đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc cắt giảm chậm, sử dụng các từ như "khiêm tốn" và "dần dần" để mô tả quan điểm của họ về tốc độ cắt giảm lãi suất phù hợp.
Người thứ tư, Chủ tịch Fed San Francisco, Mary Daly cho biết bà cảm thấy chính sách của Fed đang "rất thắt chặt" và không tin rằng một nền kinh tế mạnh, miễn là lạm phát tiếp tục giảm, sẽ ngăn cản ngân hàng trung ương tiếp tục giảm lãi suất.
Những nhận xét này cung cấp một cái nhìn sơ lược về những gì được dự đoán là một cuộc tranh luận "rộng rãi nhưng kín đáo" về lộ trình chính sách phù hợp tại cuộc họp chính sách sắp tới của Fed, vào ngày 6-7/11.
Sau thứ Sáu, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tuân thủ lệnh "cấm vận thông tin" - không đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về quan điểm chính sách tiền tệ của họ - cho đến khi Fed công bố quyết định chính sách vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày 7/11.
"Mặc dù tôi ủng hộ việc giảm bớt sự hạn chế của chính sách, nhưng tôi ưu tiên tránh những động thái quá lớn, đặc biệt là do sự không chắc chắn về đích đến cuối cùng của chính sách và mong muốn của tôi là tránh góp phần gây ra biến động thị trường tài chính", Chủ tịch Fed Kansas City, Jeffrey Schmid phát biểu tại một sự kiên mới đây và cho biết ông tin rằng việc cắt giảm lãi suất nên diễn ra dần dần và thận trọng.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Dallas, Lorie Logan cũng đưa ra những nhận xét tương tự.
"Nếu nền kinh tế phát triển như tôi hiện đang kỳ vọng, một chiến lược giảm dần lãi suất chính sách về mức bình thường hoặc trung lập hơn có thể giúp quản lý rủi ro và đạt được các mục tiêu của chúng tôi", bà nói.
Tháng trước, Fed đã cắt giảm lãi suất chính sách thêm nửa điểm phần trăm, xuống phạm vi từ 4,75% đến 5%, với lý do lạm phát và thị trường lao động đều đang hạ nhiệt. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong bốn năm.
Các dự báo kinh tế của các nhà hoạch định chính sách Fed được công bố vào thời điểm đó cho thấy hầu hết đều cho rằng việc tiếp tục cắt giảm lãi suất, và có thể với mức độ nhỏ hơn, là phù hợp.
Kể từ đó, doanh số bán lẻ mạnh mẽ và tăng trưởng việc làm lớn hơn dự kiến trong tháng 9 đã thúc đẩy suy đoán rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất chậm hơn, thậm chí có thể tạm dừng tại cuộc họp ấn định lãi suất vào tháng tới hoặc cuộc họp vào tháng 12.
Chủ tịch Daly, trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với Wall Street Journal, không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy bà sẽ ủng hộ việc tạm dừng.
"Tôi chưa thấy bất kỳ thông tin nào cho thấy chúng tôi sẽ không tiếp tục giảm lãi suất phù hợp với việc đạt được sự mở rộng bền vững đó", bà nói khi được hỏi về quyết định vào tháng 11 và thêm rằng: "Đây là mức lãi suất rất thắt chặt đối với một nền kinh tế vốn đã đang trên đà đạt lạm phát 2%, và tôi không muốn thấy thị trường lao động chậm lại thêm nữa".
Bà nói thêm, Fed nên "cởi mở" với khả năng tăng trưởng năng suất mạnh hơn có thể cho phép nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn mà không đẩy lạm phát tăng lên, cho phép ngân hàng trung ương tiếp tục giảm lãi suất.
Trong số bốn quan chức Fed phát biểu hôm thứ Hai, Daly là người duy nhất hiện đang có quyền biểu quyết trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), mặc dù tất cả các nhà hoạch định chính sách đều tham dự các cuộc họp và bày tỏ ý kiến.
Chủ tịch Fed Minneapolis, Neel Kashkari hôm thứ Hai dường như ủng hộ cách tiếp cận cắt giảm lãi suất chậm, lặp lại lời kêu gọi cắt giảm lãi suất "khiêm tốn" trong "vài quý" tới.
Ông nói rằng sức mạnh của nền kinh tế cho thấy điểm dừng cuối cùng của lãi suất chính sách - được gọi là lãi suất trung lập, nơi chi phí vay không làm chậm cũng không kích thích tăng trưởng - có thể cao hơn so với trước đây, một điểm mà Schmid cũng đã đề cập.
"Chúng tôi muốn giữ cho thị trường lao động mạnh mẽ và chúng tôi muốn đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%", Kashkari nói và cho rằng lộ trình lãi suất phù hợp sẽ "phụ thuộc vào dữ liệu".
Nhưng ông Kashkari cho biết sự suy giảm mạnh mẽ của thị trường lao động có thể khiến ông ủng hộ việc cắt giảm nhanh hơn.