Bức tranh kinh tế 2021 đang “sáng” dần
Trong cái khó…
Những tháng cuối năm 2020, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi và nhanh chóng lấy lại được đà tăng trưởng với những điểm sáng về xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là một trong số rất ít nền kinh tế tăng trưởng dương trong khu vực và thế giới. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là 6,5%.
Bức tranh kinh tế quý 1 được khơi thông nhờ hoạt động XNK và FDI |
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ ba “đổ bộ” vào Việt Nam với biến thể mới diễn biến nhanh và phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế trong nước, khiến nhiều ngành nghề suy giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, thời gian qua, giá dầu thế giới liên tục tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp, người dân lo lắng và tạo áp lực cho lạm phát.
Mặt bằng giá cả hàng hóa có thể “té nước theo giá xăng” trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Giá xăng dầu liên tục tăng cũng khiến nhà kinh doanh đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Các doanh nghiệp mới bắt đầu trở lại sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh dần được kiểm soát thì giá xăng dầu lại tăng nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi.
Theo ông Bùi Danh Liên, đại diện Hợp tác xã vận tải Thăng Long, giá xăng dầu tăng liên tục trong một thời gian ngắn ảnh hưởng rất lớn đến giá cả các mặt hàng khác. “Ngành vận tải từ năm 2020 đến nay qua ba đợt dịch Covid-19 bị ảnh hưởng trầm trọng, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Bây giờ, giá xăng dầu tăng cao, họ càng khó khăn hơn”, ông nói.
… ló cái khôn
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3 cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý này tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
“Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,48%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp”, cơ quan này đánh giá.
Có được kết quả này, theo TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), là nhờ Việt Nam vẫn khơi thông được dòng vốn FDI.
“Năm 2020, Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng vốn FDI trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mọi thứ đã xoay chuyển theo chiều hướng thuận hơn, khi Việt Nam chống dịch bệnh hiệu quả. Kết quả là, tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5%; vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5%. Trong đó, vốn cấp mới tăng 30,6%, vốn điều chỉnh tăng 97,4% so với cùng kỳ năm trước...”, ông Thúy dẫn chứng.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, trong 3 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp FDI nói chung, FDI trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh sau tác động của Covid-19, nên đã xuất siêu gần 8,8 tỷ USD, kể cả dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu hơn 2 tỷ USD trong quý I năm nay.
“Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu quý I năm nay sáng sủa hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020”, ông Thúy nói.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2021 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên quy mô toàn cầu.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2021 ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%.
Trong quý I/2021, đã có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên
Ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn tốc độ tăng 14,30% của quý I/2018 và 11,52% của quý I/2019; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 2,8%).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản kiểm soát thành công tại Việt Nam. Đây cũng là động lực quan trọng để việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo của năm 2021.
Vẫn cần thận trọng
Nhận định về bức tranh kinh tế quý I/2021 và cả năm 2021, chuyên gia kinh tế độc lập Trần Sỹ Chương cho biết, mặc dù nhiều tổ chức kinh tế - tài chính thế giới nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021 nhưng ông cho rằng, Việt Nam không nên chủ quan mà cần thận trọng khi đánh giá về sự hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế trong năm nay.
“Việt Nam đã là nền kinh tế rất mở, hội nhập sâu rộng vào thế giới, nên khi bất kỳ quốc gia, nền kinh tế nào bị tổn thương cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19, có quốc gia phục hồi nhanh hơn, có quốc gia phục hồi chậm hơn, song đoàn tàu kinh tế thế giới vẫn bị ảnh hưởng”, ông Chương nói.
Theo chuyên gia này, năm 2021, Việt Nam sẽ đối mặt với những hệ luỵ xã hội lớn và âm ỉ, vấn đề thất nghiệp, việc làm, bất ổn xã hội. Nếu không nhìn xa, không chuẩn bị, đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên tự động hoá thì những bất ổn trong vấn đề việc làm sẽ gây những hệ luỵ rất lớn.
Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, trong những khó khăn là lúc thế giới chậm lại, cho phép Việt Nam nhìn lại mình để xây dựng nội lực tốt, giúp Việt Nam có cơ sở, khả năng cạnh tranh tốt hơn.
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng quý I/2021, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng với những tín hiệu khả quan như việc vaccine phòng Covid-19 đã được đưa vào sử dụng, kênh huy động vốn của doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng và mảng tín dụng tiêu dùng cũng đang dần phục hồi… là những tín hiệu tốt cho thấy tăng trưởng tín dụng có thể đạt được ở mức 3 - 4%/quý như chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Bà Linh dự báo, nếu những diễn biến tích cực này vẫn được duy trì trên cả hai phương diện là phòng chống dịch hiệu quả và duy trì tăng trưởng kinh tế, thì các quý cuối năm 2021 tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn mức mục tiêu bình quân 3 - 4%/quý mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra, vì quy luật tăng mạnh nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân trong các tháng cuối năm sẽ không là ngoại lệ với năm 2021.