Bứt phá không đồng tốc
Trái với biểu hiện chững lại của năm 2015, công tác điều hành của các tỉnh, thành phố trong năm 2016 đã có xu hướng mạnh mẽ trở lại. Cùng với những sáng kiến cải cách ở Trung ương, các nỗ lực tự thân từ cơ sở đang tạo xung lực mới cho cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Kết quả tích cực này được ghi nhận trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức ngày 14/3.
Động lực cải cách lan toả
Đánh giá khái quát về kết quả khảo sát PCI 2016, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, triển vọng kinh doanh và công tác điều hành năm qua có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, sự cải thiện này có được chủ yếu là nhờ các tỉnh cuối bảng xếp hạng có tốc độ cải thiện nhanh và đồng đều hơn cả. Trong khi đó, chỉ một vài tỉnh nhóm trên có những cải thiện đột phá.
Theo Bảng xếp hạng PCI 2016, TP. Đà Nẵng năm thứ 4 liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm là 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Quảng Ninh với 65,6 điểm đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng, lần thứ 9 nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất.
Ảnh minh họa |
Bình Dương với 63,57 điểm và Vĩnh Long với 62,76 điểm đã trở lại ấn tượng trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất, cùng Lào Cai với 63,49 điểm. Các tỉnh như Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, và Quảng Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của khối DN dân doanh về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Đáng ghi nhận trong PCI 2016 là xu hướng cải thiện điểm số của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm “chới với” ở vị trí nửa cuối bảng xếp hạng, đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực cải cách rất ấn tượng. Khoảng cách điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp chỉ còn 17 điểm, thấp kỷ lục trong 12 năm qua.
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, nhìn chung chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. So với PCI 2015, những chuyển biến tích cực có thể được nhận thấy ở các lĩnh vực như tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh; chi phí không chính thức; đào tạo lao động; cạnh tranh bình đẳng và đăng ký DN. Ông Tuấn lưu ý, thứ hạng PCI là thước đo quan trọng, nhưng sự thay đổi so với chính mình mới thực sự là bước chuyển đáng lưu ý, thì khảo sát PCI ghi nhận 81% các tỉnh, thành phố đã có sự thay đổi so với chính mình về công tác điều hành.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, hoạt động chia sẻ, áp dụng sáng kiến cải cách, nâng cao năng lực điều hành đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước khiến cuộc đua cải thiện môi trường kinh doanh đang thú vị hơn bao giờ hết. “Việc kéo gần khoảng cách nhóm đầu và cuối bảng xếp hạng cũng cho thấy “dàn đồng ca” PCI đang đồng điệu hơn và động lực cải cách từ PCI đang thực sự lan toả”, ông Lộc phát biểu.
Còn những nút thắt khó gỡ
Mặc dù xét tổng thể, công tác điều hành của 63 tỉnh, thành phố có sự cải thiện tích cực, song khảo sát PCI lại cho thấy xu hướng đáng lo ngại là các nút thắt trên môi trường đầu tư dường như vẫn rất chặt và ngày càng khó gỡ. Có lẽ cũng vì lý do này mà những tỉnh, thành phố ở tốp đầu vẫn khó bứt phá mạnh mẽ để vượt qua chính mình.
Đơn cử là TP. Đà Nẵng năm vừa qua dẫn đầu với 70 điểm, tuy tăng nhẹ so với năm 2015 là 68,34 điểm, song vẫn thụt lùi so với chính mình trong giai đoạn 2007-2009, khi điểm số của địa phương này nằm quanh mức 72-75 điểm.
Một biểu hiện khác là năm thứ 3 liên tiếp điểm số PCI của tỉnh miền Trung này chỉ xoay quanh mốc 58 điểm, đã giảm nhẹ so với các năm 2014-2015. Nhóm nghiên cứu PCI nhận định, dường như tình trạng “giậm chân tại chỗ” chủ yếu xảy ra ở các tỉnh nhóm trên của bảng xếp hạng. Điều này cho thấy nhiều “ngôi sao” trước đây đang lặp lại xu hướng đáng quan ngại là cải cách tới ngưỡng và thiếu sự bứt phá mạnh mẽ.
Các chỉ số thành phần cũng cho thấy rõ hơn điều này. Điều tra PCI ghi nhận cải thiện mạnh mẽ ở các lĩnh vực Gia nhập thị trường, Đào tạo lao động và Tính năng động. Có thể nói, nhóm cuối bảng PCI tiếp tục thu hẹp khoảng cách chênh lệch chủ yếu thông qua các lĩnh vực dễ cải cách như đăng ký DN, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Trong khi đó nhiều vấn đề nhức nhối mà cộng đồng DN quan ngại nhiều năm qua vẫn còn khá phổ biến.
Điển hình là chi phí không chính thức vẫn là nét đáng lo ngại trên bức tranh môi trường kinh doanh. Năm nay, có khoảng 66% số DN được hỏi cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức, tương đương với tỷ lệ của năm 2015 và cao hơn mức của năm 2014 là 64%. Xét theo quãng thời gian dài hơn, tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức trong năm qua cũng cao hơn tới 12-15 điểm % so với giai đoạn 2008-2013.
Cùng với đó, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng tăng lên. Điểm số ở lĩnh vực này liên tục giảm và đang ở mức thấp nhất lịch sử kể từ khi thực hiện khảo sát PCI. Liên tục trong 3 năm qua, từ 2014-2016, cứ 3 DN thì 1 DN (tương ứng tỷ lệ 35%) phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính. Trong khi đó trước đây tỷ lệ này chỉ khoảng 1/5, hoặc đôi khi là 1/10.
Một số chỉ số khác cũng giảm điểm, tỷ lệ nghịch với sự quan ngại, phiền hà mà DN nhận được. Đó là chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, qua chuỗi thời gian 2006-2016, DN phản ánh vẫn tồn tại một sân chơi chưa bình đẳng giữa các DN tại các tỉnh, thành phố. Hơn 38% DNNVV cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho DN”, tăng 6% so với năm 2013.
Đồng thời, hơn 42% DN đồng ý rằng “tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 14% so với năm 2013. Chỉ số Tiếp cận đất đai cũng bắt đầu giảm sau khi tăng liên tục suốt giai đoạn 2008-2013. Các DN tham gia điều tra năm 2016 cho rằng rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỷ lục (1,73 điểm), khiến tình hình sử dụng đất của họ bấp bênh hơn bao giờ hết. Chỉ số khác là Thiết chế pháp lý cũng duy trì xu hướng chững lại trong 3 năm gần đây, cho thấy DN chưa thực sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật.
Diễn biến của các chỉ số thành phần cho thấy, cải cách hiện nay vẫn đang tập trung chủ yếu vào việc gia nhập thị trường của DN. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào lĩnh vực này, thời gian tới sẽ khó tạo ra sự khác biệt và bứt phá trong công tác điều hành của các địa phương. Trong khi đó các lĩnh vực hỗ trợ vòng sau đối với hoạt động của DN đang chững lại, mới chính là những dư địa lớn nhất để các địa phương bứt phá trong cuộc đua cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn tới.
Sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh được ghi nhận rõ hơn qua những đánh giá của khối DN dân doanh trong nước. Khảo sát trong năm vừa qua cho thấy, 65% DN hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của DN đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006 là 7,5 tỷ đồng. |