Cả nước còn 2.078,32 nghìn ha đất chưa sử dụng
Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội: Đến ngày 31/12/2016, nhóm đất nông nghiệp của cả nước là 27,2 triệu ha, đang nhiều hơn mức Quốc hội cho phép. Trong đó có 4,1 triệu ha đất trồng lúa, nhiều hơn giới hạn Quốc hội cho phép 140.000 ha cao hơn diện tích đất trồng lúa năm 2015. Đất rừng phòng hộ có 5,2 triệu ha, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội duyệt 265.000 ha. Có 2,2 triệu ha đất rừng đặc dụng và 7,5 triệu ha đất rừng sản xuất, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội duyệt.
Trong hệ thống rừng đặc dụng có 164 khu bảo tồn thiên nhiên. Trong ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long Ninh Bình |
Báo cáo cho biết, việc sử dụng đất rừng đặc dụng vẫn còn một số tồn tại như: Hiện tượng xâm lấn ranh giới giữa các khu rừng đặc dụng với vùng đệm. Tại nhiều nơi người dân còn sống trong rừng hay nương rẫy của họ còn ở bên trong khu rừng đặc dụng nên thường xảy ra xâm phạm ranh giới để khai thác tài nguyên rừng, chặt phá rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Trong hệ thống rừng đặc dụng có 164 khu bảo tồn thiên nhiên gồm 30 vườn quốc gia, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 khu bảo tồn, 45 khu bảo vệ cảnh quan văn hoá, lịch sử và môi trường và 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học.
Số liệu của báo cáo đã thể hiện việc quản lý đất rừng không chặt chẽ, tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp không theo quy hoạch vẫn còn diễn ra, đặc biệt ở các địa phương có dân di cư tự do đến. Các công ty lâm nghiệp chưa đủ sức bảo vệ diện tích rừng được giao. Việc khai thác rừng mới chỉ chú ý ở các lâm trường, doanh nghiệp nhà nước mà chưa chú ý coi trọng đối với người dân nên đã nảy sinh mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân với các lâm trường, doanh nghiệp nhà nước.
Theo báo cáo, đến năm 2016 có 790.000 ha nuôi thủy sản, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội phê duyệt, tăng 106,24 nghìn ha so với năm 2010. Diện tích nuôi thủy sản tăng mạnh trong những năm qua trong đó có một phần do đất trồng lúa chuyển sang nuôi thủy sản. Nhưng việc chuyển đổi này phần lớn là theo phong trào, lại chưa tính toán đầy đủ đến lợi ích chung toàn vùng nên đã có những ảnh hưởng không tốt đến ngành trồng trọt, nhất là trồng lúa.
Đất làm muối có 17.000 ha, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội duyệt, nhưng diện tích tăng giảm thất thường do sản xuất muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá muối xuống thấp, làm cho thu nhập từ sản xuất muối không cao nên nhiều hộ diêm dân không mặn mà sản xuất muối mà chuyển sang làm các việc khác có thu nhập cao hơn; một số nơi các hộ diêm dân tự phát chuyển đất làm muối sang nuôi trồng thuỷ sản.
Trong 3,9 triệu ha đất phi nông nghiệp (tính đến cuối năm 2016) kể cả đất quốc phòng, an ninh có 92.000 ha đất khu công nghiệp, 1,3 triệu ha đất để phát triển hạ tầng, 162.000 ha đất ở đô thị và 9.000 ha là bãi thải bãi rác... Các diện tích này đều thấp hơn mức được Quốc hội phê duyệt vì tình hình khó khăn của nền kinh tế tác động lớn đến việc thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư để thực hiện các công trình, dự án; vốn đầu tư công giảm, các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước giảm, nhiều công trình, dự án phải dừng, đình hoãn hoặc giãn tiến độ thực hiện; một số dự án, công trình có trong quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư thực hiện hoặc có nhà đầu tư, nhưng thực hiện chậm do khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó, một số dự án, công trình cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ (như Sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), một số tuyến đường cao tốc, đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm, tổng kho trung chuyển Miền Đông (tỉnh Đồng Nai), các trường đại học,...) nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc triển khai thực hiện các công trình, dự án của các địa phương không theo đúng kế hoạch nên việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp cũng không thực hiện được theo đúng kế hoạch.
Chính phủ báo cáo: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo quốc phòng, an ninh, hình thành các khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch kinh tế lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phát triển ổn định thị trường bất động sản, khai thác tốt hơn nguồn lực đất đai làm tăng giá trị của đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ cho biết, nguồn thu từ đất cho ngân sách đã tăng đáng kể qua các năm, nguồn thu từ đất năm 2014 là 55.620 tỷ đồng, năm 2015 là 84.430 tỷ đồng, năm 2016 là 98.750 tỷ đồng và “cả nước còn 2 triệu ha đất chưa sử dụng”.