Các thị trường mới nổi: Bệnh truyền nhiễm và khủng hoảng đã tới?
Lây lan và có nguy cơ trở thành khủng hoảng
Đó là một hiện tượng khiến nhiều NĐT và giới phân tích đang hướng đến sử dụng một cụm từ thống nhất để miêu tả về tình hình của các EM hiện nay: contagion (“sự lây lan” hoặc “bệnh truyền nhiễm”). Lập luận của họ là, dù có thể về lâu dài các tài sản vẫn mang lại giá trị nhưng NĐT vẫn quyết định sẽ bán ra các cổ phần tương đối an toàn để bù lỗ ở các thị trường dễ bị tổn thương hơn.
Một cuộc khủng hoảng ở các EM nếu xảy ra có thể lan tới Phố Wall |
Thậm chí tệ hơn, họ có thể đối xử với tất cả các EM như nhau và dẫn tới tình trạng bán tháo. Và một khi tâm lý bầy đàn diễn ra trên diện rộng, điều đó có nghĩa là dù mối quan hệ rủi ro - lợi nhuận tiềm năng ở các quốc gia riêng lẻ có như thế nào cũng không còn quan trọng nữa.
“Chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin ở các EM, với một sự lây lan ở các mức độ khác nhau đang diễn ra. Trong bối cảnh đó, thật khó để nhảy vào thị trường lúc này”, Pablo Goldberg, một nhà quản lý tiền tại BlackRock Inc. nhận định.
Nhiều đồng nội tệ của các nước đang phát triển đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017, với đồng Peso của Argentina, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng Rupee của Ấn Độ giảm xuống các mức thấp chưa từng thấy trong những ngày vừa qua. Đồng Rupiah của Indonesia cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hai thập kỷ trước.
Những diễn biến đó củng cố quan điểm cho rằng, đây không đơn thuần chỉ là những vấn đề của từng thị trường EM riêng biệt và rất có thể “căn bệnh truyền nhiễm” đang lây lan.
Theo Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Washington, căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, đồng USD lên giá và triển vọng tăng lãi suất của Mỹ khiến danh mục đầu tư chảy vào các EM chỉ còn 2,2 tỷ USD trong tháng 8, giảm mạnh từ mức 13,7 tỷ USD trong tháng 7.
“Khi cuộc chiến tranh thương mại còn là tâm điểm phía trước và Fed đang có xu hướng tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới thì môi trường cho đồng USD mạnh hơn vẫn hiện hữu. Và đó không phải là một câu chuyện tích cực cho các EM”, Anastasia Amoroso, nhà chiến lược đầu tư toàn cầu của JPMorgan nhận định.
Theo các chiến lược gia của công ty Wolfe Research, áp lực đối với các EM nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn, với các EM gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Nam Phi, Pakistan, Brazil và Ấn Độ là các mắt xích yếu nhất. Rủi ro vỡ nợ ở châu Á, ở các thị trường cho vay liên ngân hàng của châu Âu và nguy cơ chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng (CDS) tăng có thể lây lan trong các ngân hàng đang cho thấy một số nét khá tương đồng với cuộc khủng hoảng EM năm 1997.
Liệu có lan tới Phố Wall?
Giới phân tích cho rằng, cơn bão đang tràn qua các EM hiện nay có nguồn cơn từ Washington. Đồng nội tệ của các EM dễ bị tổn thương đã lao dốc khi Fed liên tục tăng lãi suất. Trong khi đó, việc chủ động gây ra các căng thăng thương mại toàn cầu hiện nay của Tổng thống Donald Trump được xem là đã đổ thêm dầu vào lửa. Khi các rắc rối lan rộng, có thể lây nhiễm sang các EM khác và thậm chí là tới chính Phố Wall. Đó là thực tế những gì đã xảy ra hai thập kỷ trước trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
"Thực sự đang có một nỗi sợ hãi về sự lây lan, tương tự như giai đoạn 1997-1998", Michael Arone, nhà chiến lược đầu tư chính của State Street Global Advisors cho biết. Và điều đó đã bắt đầu xảy ra. Thị trường chứng khoán Indonesia đã giảm tới gần 4% chỉ trong phiên giao dịch ngày 5/9.
Một số đồng nội tệ như Rupee của Ấn Độ, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ… đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD gần đây là những tín hiệu cho thấy nguy cơ này. Nhưng chính Michael Arone cũng khuyến nghị NĐT không nên lo lắng về khả năng lặp lại một cuộc khủng hoảng như trước đây và tin rằng lo ngại về “sự lây lan” hiện nay đang bị thổi phồng.
Hơn nữa, có rất ít dấu hiệu - ít nhất là cho đến thời điểm này - cho thấy Phố Wall cũng đang “đổ bệnh”. Được thúc đẩy bởi một nền kinh tế đang có tăng trưởng mạnh mẽ, Hoa Kỳ dường như đang là một “ốc đảo yên bình” trong cơn bão hiện nay. Chỉ số Dow Jones chỉ còn cách mốc đỉnh đạt được vào cuối tháng 1/2018 khoảng 600 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 cũng đang giao dịch quanh mức thấp hơn chỉ 1% so với mức cao nhất mọi thời đại.
Đây là những số liệu cho thấy sự ngược chiều với các EM. Đơn cử, chỉ số IShares MSCI Emerging Markets ETF (EEM) đã giảm 11% trong năm nay và đang giao dịch ở gần mức thấp nhất trong 14 tháng. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cũng đã giảm tới 18%...
Trong khi mối quan ngại về sự lây lan và nguy cơ khủng hoảng ở các EM ngày một gia tăng thì cũng có những quan điểm đi theo hướng ngược lại. Đơn cử theo Richard Turnill, chiến lược gia đầu tư toàn cầu của BlackRock, thay vì lo lắng về rắc rối ở Thổ Nhĩ Kỳ, các NĐT đang tập trung vào lý giải lợi nhuận đang bùng nổ của các DN Mỹ.
Theo dữ liệu của FactSet, thu nhập quý II tại các công ty trong S&P 500 đã tăng tới 25% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010. Đáng chú ý là sự gia tăng này không chỉ bắt nguồn từ việc cắt giảm thuế bởi doanh số bán hàng đã có mức tăng trưởng nhanh nhất trong gần 7 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ khả quan cũng là những thông tin hỗ trợ tích cực ở thị trường phát triển này.
Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, xu hướng thắt chặt tiền tệ nhanh hơn của Fed, đồng USD tăng giá và các chính sách thương mại “gây hấn” của Tổng thống Trump dù trước mắt và trực tiếp chỉ ảnh hưởng đến các EM nhưng nếu EM thực sự “đổ bệnh” hay lớn hơn là lâm vào một cuộc khủng hoảng mới thì tác động ngược trở lại với thị trường Mỹ cũng không thể xem thường.
Đứng trước khả năng đó, một số ý kiến cho rằng rất có thể Fed sẽ ra tay hành động như đã từng làm (để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990). Về lý thuyết, Fed có thể làm chậm lại tốc độ tăng lãi suất, qua đó sẽ làm giảm các áp lực với các EM. Theo Brent Schutte, Giám đốc chiến lược đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management, Fed sẽ không muốn gây ra một cuộc khủng hoảng tại các EM.