Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: Toàn xã hội mới quyết định thắng lợi này
Trong diễn văn khai mạc Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định: Nghị quyết của Đảng khẳng định: Chỉ khi nào toàn xã hội quyết liệt đồng tình tham gia vào cuộc cách mạng này thì mới đạt tới thành công... Lực lượng quần chúng đông đảo của toàn xã hội mới quyết định thắng lợi này...
Toàn cảnh Diễn đàn |
Những kết quả bước đầu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế lớn, đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số, làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển, ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhiều nước đã xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia - một trong những nội dung cốt lõi để tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với nước ta, kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trên thực tế, nước ta cũng đã có những bước phát triển khá nhanh chóng và đạt kết quả nhất định.
Cho đến nay, cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020.
Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Hiện Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số.
Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ làm xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia; trong đó, chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc so với năm 2016, lên thứ hạng 59/193 quốc gia.
Hoạch định cho bước đi kế tiếp
Nói về cơ hội đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng đây lại là lợi thế của các nước đi sau như Việt Nam, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Thậm chí, những gánh nặng của thời 2.0, 3.0 có thể lại là cản trở cho 4.0.
Hơn nữa, chuyển đổi số trên thực tế là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung...
Phát biểu tại phiên toàn thể, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Muốn đi nhanh thì chính phủ phải đi đầu.
Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới để tạo động lực cho tăng trưởng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì nêu 3 nhóm giải pháp quan trọng: Áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công; Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đầu tư sáng tạo trong doanh nghiệp; Cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ để làm chủ, vươn lên…