Cải cách hành chính xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp
Đột phá cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh Đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn |
Càng trong bối cảnh khó khăn ấy, lại càng cảm nhận rõ hiệu quả của hành trình cải cách hành chính (CCHC) lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của NHNN Việt Nam và ngành Ngân hàng. Nhìn lại những ngày đầu tháng 9, ngay khi cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ gây hậu quả nghiêm trọng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, thủ trưởng hành chính Cơ quan NHNN Trung ương Đào Minh Tú đã trực tiếp thị sát các tỉnh bị ảnh hưởng do bão để chia sẻ, động viên người dân và doanh nghiệp, kịp thời đưa ra chỉ đạo tín dụng cho phù hợp. NHNN tổ chức nhiều hội nghị, ban hành Chỉ thị riêng cho toàn Ngành để triển khai biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của bão lũ trước mắt cũng như lâu dài.
Với chỉ đạo xuyên suốt của NHNN, các TCTD nghiêm túc thực hiện trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện |
Tinh thần “cộng sinh", đồng hành của các TCTD một lần nữa lại được đề cao với sự vào cuộc mạnh mẽ không chỉ của 4 NHTM có vốn nhà nước mà còn cả các ngân hàng tư nhân như MSB, LPBank, SHB; đặc biệt là sự tham gia của TCTD nước ngoài như Ngân hàng Shinhan Việt Nam… với hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi dành cho khách hàng bị ảnh hưởng do bão vay mới. Đồng thời các TCTD cũng cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay các khoản tín dụng đã giải ngân trước đó… giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực và tiết giảm chi phí khôi phục sản xuất kinh doanh.
Với chỉ đạo xuyên suốt của NHNN, các TCTD nghiêm túc thực hiện trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện đồng bộ theo hệ thống từ trụ sở chính đến các chi nhánh. Việc trợ giúp kịp thời của ngành Ngân hàng ngay sau bão đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất; nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những đơn hàng mới. Những nỗ lực này góp phần đưa tín dụng toàn ngành Ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng 9% so với cuối năm 2023, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Đó chỉ là một trong nhiều hiệu ứng từ công tác CCHC liên tục và xuyên suốt của NHNN trong thời gian qua. Báo cáo của NHNN cho thấy, trong quý III/2024, NHNN tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai tích cực các nhiệm vụ CCHC đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực theo Kế hoạch CCHC năm 2024.
Hiệu quả CCHC ngày càng sâu rộng khi Thống đốc NHNN - thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Trưởng ban CCHC của NHNN Nguyễn Thị Hồng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành luôn bám sát và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động về công tác CCHC. Đồng thời, trực tiếp kiểm tra tại một số đơn vị và định kỳ chủ trì cuộc họp với các đơn vị đầu mối CCHC để chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, đẩy mạnh các mô hình cải tiến, sáng kiến trong CCHC và chấn chỉnh hoạt động cải cách nội bộ tại NHNN Trung ương.
Tính đến ngày 15/9/2024, các đơn vị thuộc NHNN đã hoàn thành 15/20 nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch CCHC. Trong đó, với công tác xây dựng thể chế, tiếp nối những đột phá 6 tháng đầu năm trong quý III/2024 NHNN tiếp tục khẩn trương triển khai xây dựng khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu đảm bảo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Các TCTD (sửa đổi) có hiệu lực 1/7/2024. Đồng thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản trị, điều hành, cơ cấu lại TCTD.
NHNN đã trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 41 Thông tư (trong đó ban hành 31 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD). Bên cạnh đó, NHNN hợp nhất 18 văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra 34 văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; Ban hành và triển khai Kế hoạch triển khai nhiệm vụ rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của NHNN. Hiện, bộ thủ tục hành chính (TTHC) của NHNN có 345 TTHC, NHNN tiếp tục rà soát để đề xuất nâng cấp các TTHC của NHNN đáp ứng đủ điều kiện lên dịch vụ công toàn trình.
NHNN đã hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi 12/12 (hoàn thành 100%) quy định kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 381/QĐ-TTg ngày 7/5/2024 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN. Hiện NHNN đang tiếp tục triển khai Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2025.
Những cải cách trong lĩnh vực thể chế và TTHC vừa góp phần tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định, đồng thời thực hiện được những chủ trương của các cấp có thẩm quyền điều hành về mặt khách quan.
Quý III/2024 cũng tiếp tục ghi nhận những bước tiến mới trong việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân. NHNN đã chỉ đạo các NHTM, các tổ chức trung gian tài chính tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, có giải pháp kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp trên Cổng DVCQG.
Công cuộc xây dựng ngân hàng số, chính phủ số đang có thêm những lực đẩy mới với việc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an (BCA) triển khai nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến nghiệp vụ TTTD. Đến nay, CIC đã hoàn thành 6 đợt xác thực với khoảng 57 triệu hồ sơ khách hàng theo phương thức offline. Các TCTD tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng tuân thủ Quyết định 2345/QĐ-NHNN. 49 TCTD đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp phép để triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắp chip qua ứng dụng điện thoại; 28 TCTD đã ký kết với C06 để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, trong đó 25 TCTD đã gửi dữ liệu cho C06 để làm sạch với số lượng gần 2,5 triệu hồ sơ khách hàng đã gửi và nhận được phản hồi; 22 TCTD và 13 trung gian thanh toán đang phối hợp C06 triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) cho 03 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.
Hiện, NHNN đang tích cực thực hiện 5 nhiệm vụ CCHC đảm bảo hoàn thành Kế hoạch CCHC năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục đặt trọng tâm cải cách, đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên ứng dụng hiệu quả công nghệ số, dữ liệu số, gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng để tạo đột phá trong công tác CCHC; đổi mới việc tổ chức cơ chế một cửa trong hoạt động giải quyết TTHC; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tích cực, lành mạnh, công bằng cho các TCTD.