Cải cách vẫn thiếu điểm nhấn, gắn kết chưa hiệu quả
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn kinh tế nhiều biến động. Bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi, kể cả đảo chiều chính sách đột ngột ở một số nền kinh tế chủ chốt. Cọ xát giữa một số nước lớn có xu hướng phức tạp hơn, và không bó hẹp ở lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chững lại. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - mà Việt Nam đã ký hoặc đang tham gia đàm phán - không có nhiều chuyển biến. Đó là nhận định của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I của Viện. Báo cáo được công bố chiều ngày 28/4/2017.
Cải cách thiếu điểm nhấn, điều hành còn tham vọng
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam dường như còn loay hoay trong việc cân bằng yêu cầu điều hành kinh tế - xã hội (có tính ngắn hạn hơn) và các định hướng cải cách thể chế kinh tế (trong trung và dài hạn), theo CIEM. Các định hướng lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được thông qua vào cuối năm 2016 và ít nhiều được phổ biến, song còn chậm được cụ thể hóa.
Ưu tiên cải cách và điều hành còn khá tham vọng, song độ phủ trên nhiều lĩnh vực phần nào làm giảm tính trọng tâm, hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp đề ra. Khu vực tư nhân - một chủ thể quan trọng của nền kinh tế chưa thực sự được tạo điều kiện kịp thời để phát triển.
Theo CIEM, “Kinh tế trong nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại”. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng trong quý I, dù tốc độ tăng chậm dần.. Diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm ít nhiều chịu ảnh hưởng của sự phục hồi của giá cả trên thị trường quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối thấp và những diễn biến vĩ mô quý I, CIEM tỏ ý quan ngại về hiệu quả điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong thời gian qua.
Tuy nhiên, điều hành vĩ mô cũng có những điểm tích cực. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có động thái điều chỉnh trần lãi suất đối với tiền gửi USD – ngay cả sau khi FED điều chỉnh tăng lãi suất. Thay vào đó, NHNN tập trung vào: truyền thông về việc tiếp tục ưu tiên giảm mức độ đô-la hóa trong nền kinh tế; theo dõi diễn biến USD trên thị trường thế giới và các chính sách liên quan của Hoa Kỳ; và tiếp tục thực hiện linh hoạt cơ chế tỷ giá VND/USD trung tâm. Lãi suất tiền gửi USD của cá nhân và tổ chức vẫn được duy trì ở mức 0%/năm. Lãi suất huy động VND ổn định.
Tín dụng tăng khoảng 4,03% trong quý I, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2014-2016, có thể do: Mặt bằng lãi suất ổn định; Gia tăng nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất và thương mại; Giảm chèn lấn từ phát hành Trái phiếu Chính phủ; và Một số doanh nghiệp tranh thủ “vay sớm” trước lo ngại lãi suất có thể tăng trong các quý cuối năm.
Tỷ giá VND/USD thể hiện xu hướng tăng khá rõ nét trong các tháng đầu năm. Tỷ giá VND/USD trung tâm được điều chỉnh tăng dần. Tỷ giá hữu hiệu thực (REER) của Việt Nam trong quý I tăng 0,95% so với cùng kì năm 2016, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn lên giá tương đối so với hàng hóa thế giới.
“Sự lên giá ấy không phải do chính sách tỷ giá, mà do diễn biến giá cả trong nước dưới áp lực của điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý và điều chỉnh chính sách liên quan đến lương tối thiểu”, ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng ban Kinh tế vĩ mô cho biết.
Kỳ vọng tăng trưởng mới
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I chỉ tăng 3,2% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá), thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Giải ngân vốn TPCP chậm, giảm tới 20,5%. Tổng vốn FDI đăng kí đạt 7,71 tỷ USD trong quý I, tăng 91,5%, tuy nhiên, vốn FDI thực hiện đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 3,4%.
Tình hình NSNN cũng đã có dấu hiệu tốt. Tổng thu NSNN trong quý tăng tới 21,6% so với cùng kỳ và đã đạt 23,1% dự toán cả năm 2017 và tương đương 30,1% GDP. Chi NSNN tương đương 20,5% dự toán và chỉ tăng 2,7%. Tỷ lệ bội chi so với GDP ở mức 0,4% trong quý I/2017 - mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ 2016 (5,53%) và mức trung bình các năm 2011-2015 (4,86%). “Nhìn từ góc độ ấy, điều hành thu chi NSNN đã ít nhiều giúp giảm sức ép đối với nợ công và phát hành TPCP...”, CIEM nêu.
CIEM dự báo: tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 5,61%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,24%. Thâm hụt thương mại ở mức 1,13 tỷ USD, tiếp tục do gia tăng cầu đầu tư và nhập khẩu tăng (dù không nhiều so với quý I). Mức tăng giá tiêu dùng trong quý II là khoảng 0,86%.
Báo cáo cũng phân tích những thách thức trong việc phát triển chuỗi lúa gạo của Việt Nam, nhấn mạnh đến năng suất lao động tăng chậm; quy mô sản xuất nhỏ; nhiều rào cản đối với đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao trình độ sản xuất và năng suất lao động như rào cản thể chế đối với đất trồng lúa, rào cản về quy hoạch sản lượng tạo động cơ chạy theo số lượng, rào cản về xuất khẩu gây khó khăn cho đa dạng hóa xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng và năng suất lao động.
Khó khăn về kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế, trong quý I đặt ra không ít thách thức cần xử lý trong cải cách và điều hành kinh tế. “Chúng ta có nhiều văn bản nghị quyết và kế hoạch tốt nhưng thực hiện chưa được như mong muốn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cũng nên nghĩ đến nguyên nhân “do điều hành” để điều chỉnh, cải cách điều hành kinh tế”, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM lưu ý.
Tăng trưởng kinh tế tương đối thấp trong một thời gian dài không tạo đủ động lực cho cải cách một cách mạnh mẽ, thậm chí còn dần tạo ra “một kỳ vọng mới” về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Mặt khác, cách tiếp cận cải cách toàn diện như thời gian qua đang tỏ ra thiếu hiệu quả do thiếu điểm nhấn và hiệu quả gắn kết giữa các cơ quan liên quan.