Cải thiện NIM vẫn là bài toán khó
Áp lực thu hẹp NIM NIM ngân hàng sẽ cải thiện, nhưng có phân hóa |
Tỷ lệ NIM của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng thu hẹp trong thời gian gần đây. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
Theo số liệu thống kê trên toàn hệ thống, tỷ lệ NIM giảm ở đa số các nhà băng. Điều này phản ánh diễn biến thực tế của thị trường. Hiện nay, ngành Ngân hàng đang chịu áp lực rất lớn khi phải tăng lãi suất huy động, tăng tính hấp dẫn kênh tiền gửi so với các kênh đầu tư khác. Bởi thời gian trước đó, lãi suất tiết kiệm đã xuống mức rất thấp, trong khi các kênh đầu tư khác đang có mức sinh lời tốt. Do vậy để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất để hút khách. Ngoài ra, do tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn theo quy định mới điều chỉnh giảm nên các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn dài để đáp ứng cho vay dài hạn của ngân hàng.
Lãi suất huy động tăng nhưng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn, chỉ khởi sắc ở một số lĩnh vực. Do vậy, các ngân hàng phải cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay. Chính vì vậy, NIM thu hẹp là điều tất yếu. Chưa kể, tình hình nợ xấu của nhiều ngân hàng có dấu hiệu gia tăng gần đây khiến họ bắt buộc phải tăng trích lập dự phòng, đây cũng là yếu tố gia tăng chi phí.
Xu hướng chung là NIM giảm nhưng vẫn có ngân hàng duy trì chỉ số này khá ổn định. Phải chăng có sự phân hoá giữa các nhà băng, thưa ông?
Trên thực tế thì rõ ràng có sự phân hóa về tỷ lệ NIM giữa các ngân hàng. Đa số các nhà băng ghi nhận NIM giảm nhưng vẫn có một số ngân hàng cải thiện được tỷ lệ này. Yếu tố giúp NIM đi ngang hoặc tăng nhẹ là nhờ vào việc ngân hàng có kế hoạch quản lý về nguồn vốn một cách tốt hơn, mức độ rủi ro thấp hơn khiến chi phí huy động vốn tối ưu, kể cả trực tiếp từ người dân hay trên thị trường thứ cấp.
Bên cạnh đó, chi phí về hoạt động của các ngân hàng cũng rất khác nhau. Có những ngân hàng đi trước về mặt công nghệ, có tệp khách hàng tốt, quy mô của khoản vay lớn sẽ có nhiều lợi thế hơn về chi phí cho quá trình thẩm định, phê duyệt khoản vay. Ngoài ra, nếu công tác quản trị rủi ro về mặt tín dụng được thực hiện một cách hiệu quả thì mức độ NIM bị ảnh hưởng sẽ thấp hơn các ngân hàng khác. Đây là những yếu tố cơ bản dẫn đến có sự khác biệt về tỷ lệ NIM giữa các TCTD.
Phấn đấu tỷ lệ NIM như giai đoạn trước đại dịch là một bài toán khó. Vậy các TCTD cần có những giải pháp nào để giữ NIM không quá mỏng, thưa ông?
Các ngân hàng vẫn phải tiếp tục bám sát tín hiệu thị trường để đảm bảo lãi suất huy động vốn ở mức độ đủ hấp dẫn nhưng cũng không bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh về lãi suất tiền gửi. Thứ hai là cần đặc biệt chú trọng công tác về quản trị rủi ro đảm bảo về thanh khoản để tránh phải dùng lãi suất để cạnh tranh trong việc huy động vốn.
Ngoài ra, cũng cần tối ưu chi phí hoạt động, tăng cường áp dụng công nghệ. Tất cả những yếu tố đó sẽ góp phần cải thiện NIM trong thời gian tới. Một yếu tố quan trọng nữa giúp ngân hàng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp trong bối cảnh chưa tăng lãi suất cho vay, khó giảm lãi suất huy động đó là nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Việc thu hút lượng tiền gửi giá rẻ này vừa giảm thiểu sức ép lên NIM vừa gia tăng hiệu quả hoạt động. Rõ ràng các nhà băng kiểm soát được chi phí đầu vào, có chất lượng tín dụng tốt, nợ xấu thấp thì NIM cũng sẽ tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!