Cần chính quyền xúc tác trong cho vay tín chấp
NH nhận khó về mình
Trao đổi với phóng viên TBNH ngày 15/7, ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian qua, việc cho vay tín chấp đối với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra khá thuận lợi. Thực hiện theo những quy định cũ tại Nghị định 41, Agribank Tiền Giang đã cho vay được khoảng 170 tỷ đồng đối với các hợp đồng vay không cần tài sản đảm bảo.
Nhân rộng hoạt động kết nối NH – DN, NH – nông dân sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cho vay tín chấp phát triển mạnh |
Khi cho vay tín chấp theo Nghị định 41, các chi nhánh Agribank thực hiện nghiêm ngặt quy trình đánh giá thẩm định. Các thông tin về khách hàng được thu thập từ các tổ chức đánh giá tín nhiệm hoạt động của khách hàng chính thức như Trung tâm Thông tin tín dụng Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của NH. Khi tiến hành cho vay tín chấp, Agribank sẽ yêu cầu khách hàng nộp sổ đỏ để tránh trường hợp khách mang sổ đi vay vốn nhiều nơi.
Việc giữ sổ đỏ trong trường hợp này không phải là thế chấp mà chỉ là biện pháp quản lý rủi ro. Khi khách hàng đã vay tín chấp tối đa số vốn theo quy định của Nghị định 41 mà muốn vay thêm để mở rộng sản xuất kinh doanh NH sẽ giải quyết theo hai hướng. Thứ nhất là thuyết phục khách hàng chuyển toàn bộ hợp đồng cũ sang dạng vay có tài sản đảm bảo và làm hợp đồng gộp chung phần vay cũ với phần vay mới để tiếp tục cho vay. Thứ hai là thẩm định giá trị sổ đỏ mà khách hàng đã nộp trong quá trình vay tín chấp để làm hợp đồng cho vay mới mà vẫn giữ nguyên khoản vay cũ.
Theo phân tích của ông Hùng, nếu làm theo cách thứ nhất thì hợp đồng được chuyển sang cho vay thông thường có tài sản đảm bảo, NH sẽ đỡ rủi ro hơn. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng làm theo cách này được vì nếu giá trị sổ đỏ của khách hàng nhỏ thì việc gộp chung cả hai khoản vay sẽ làm cho hạn mức cho vay lớn hơn giá trị thật của tài sản đảm bảo.
Trong trường hợp này, NH sẽ xem xét cụ thể dự án sản xuất kinh doanh của khách hàng để đăng ký giao dịch đảm bảo bằng chính sổ đỏ mà khách đã nộp trước đó. Cách làm này tạo thuận lợi cho các hộ dân, trang trại và DN vì chỉ dùng một tài sản đảm bảo mà vay được hai nguồn vốn theo cả hình thức tín chấp và thế chấp. Tuy nhiên, NH sẽ phải gánh chịu rủi ro nhiều hơn vì một khi việc trả nợ gặp khó khăn thì chỉ có khoản vay thế chấp được bảo đảm bằng bán tài sản thu hồi nợ, khoản vay tín chấp sẽ bị khoanh lại có thể dẫn đến nợ xấu cho NH.
NH có thể nhận cam kết trả nợ thay Theo hướng dẫn của Agribank, điều kiện để được xem xét cho vay tín chấp là bên vay phải: sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng hạn, đầy đủ trong quan hệ vay vốn với Agribank và các TCTD khác trước đó; có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi, có hiệu quả; có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ; đồng thời được xếp hạng tín nhiệm theo tiêu chí phân loại khách hàng của Agribank. Nếu trường hợp khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện như trên, Agribank nơi cho vay và khách hàng vẫn có thể thỏa thuận về việc bên thứ 3 có uy tín, có năng lực tài chính cam kết (bằng văn bản) trả nợ thay nếu khách hàng vay không trả được nợ. |
Cần sự bảo lãnh từ địa phương
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Agribank chi nhánh An Giang cho rằng hiện nay theo những quy định mới tại Nghị định 55, mức cho vay tín chấp đối với các đối tượng khách hàng đều được nâng lên cao hơn nhiều so với Nghị định 41. Do vậy, việc thẩm định các hợp đồng cho vay tín chấp cũng cần tiến hành chặt chẽ và kín kẽ hơn.
Để tạo thuận lợi trong việc xử lý các trường hợp bên vay tín chấp muốn vay thêm vốn từ sổ đỏ đã nộp cho NH thì ngay trong lúc thẩm định cho vay tín chấp, dù không phải đăng ký giao dịch đảm bảo nhưng các chi nhánh NH cho vay cũng nên rà soát và làm các thủ tục tương tự như cho vay có thế chấp để nắm được tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng và biết được khả năng có thể cho vay thêm vốn đối với các khách hàng đã vay thế chấp.
Ở một góc độ khác, ông Sơn cho rằng, để các NH giảm thiểu được rủi ro khi cho vay tín chấp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 chính quyền các địa phương cần hỗ trợ giới thiệu và “bảo lãnh” cho những nông hộ, trang trại, DN uy tín, đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn.
Theo đó, các chương trình kết nối NH – DN, NH – nông dân cần tiếp tục được nhân rộng để chọn lựa ra danh sách những khách hàng có khả năng tài chính tốt, đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết, có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả.
Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy rằng, trong thời gian qua chính quyền các quận, huyện đã khá chú trọng đến hoạt động kết nối NH với các hộ nông dân. Cuối tháng 3 vừa qua, các NH: Agribank, Sacombank và VietinBank đã cam kết đầu tư hơn 600 tỷ đồng cho hoạt động kết nối trên 150 DN và hộ cá thể sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ở huyện Củ Chi. Hầu hết các đối tượng khách hàng tham gia kết nối đều được chính quyền địa phương chọn lọc kỹ lưỡng và đáp ứng đủ các điều kiện để có thể vay vốn tín chấp.
Do vậy nếu hoạt động kết nối NH – nông dân được triển khai phổ biến; các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên ở các địa phương làm tốt việc hoạt động hỗ trợ lập danh sách khách hàng thì hoạt động cho vay tín chấp theo Nghị định 55 chắc chắn sẽ được các tổ chức tín dụng triển khai tích cực và giảm thiểu được nhiều rủi ro khi đẩy mạnh cho vay không có tài sản đảm bảo vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Môi trường kinh doanh cản trở cho vay tín chấp Với việc cùng một lúc triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ như cho vay theo chuỗi, cho vay kết nối NH – DN, cho vay theo các Nghị định 67, Nghị định 55 của Chính phủ… thì hiện nay xu hướng tăng dần tỷ lệ cho vay tín chấp và giảm dần phụ thuộc vào tài sản đảm bảo trong mỗi hợp đồng vay vốn đang hình thành trong hệ thống NH tại Việt Nam. Thực tế, ngoài lĩnh vực nông nghiệp, nhiều NH cũng đã chấp nhận cho vay tín chấp đối với các DN có đánh giá tín nhiệm cao, phương án trả nợ tốt, không vướng nợ xấu, có nguồn thu ổn định. Chẳng hạn, HDBank dành 500 tỷ đồng cho vay tín chấp đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu vốn để sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mua nguyên vật liệu… Các NH khác như Sacombank, ACB, Eximbank, OCB... cũng đều xây dựng cho mình các hình thức vay tín chấp bằng dòng tiền, cho vay theo hợp đồng cung ứng… Tuy nhiên, môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn là nguyên nhân chính khiến cho các tổ chức tín dụng chưa “mạnh tay” với hoạt động cho vay không cần tài sản đảm bảo. Theo ý kiến của một số lãnh đạo NHTM thì không phải các NH không đánh giá được năng lực tài chính của DN mà do môi trường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phức tạp. Nhiều DN không minh bạch trong báo cáo tài chính và không được kiểm toán định kỳ. Thêm vào đó, khi xảy ra rủi ro, các bên thường đùn đẩy trách nhiệm, NH không biết “túm” vào đâu để xử lý. Đặc biệt, cách giải thích cũng như quy kết trách nhiệm theo xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng khiến các lãnh đạo NHTM chùn tay khi quyết định cho vay tín chấp. |