Cần chính sách đột phá giải quyết hai “điểm nghẽn” của nền kinh tế
Tháo gỡ các rào cản thị trường
Thảo luận tại tổ liên quan đến lĩnh vực ngân sách nhà nước (NSNN), nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khi cho rằng, quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước, thu NSNN 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ; nợ đọng thuế tăng 3,6% so với cuối năm 2022; việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp còn chậm và có vướng mắc từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành thuế.
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, nhưng còn 17 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%; giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 46,77% kế hoạch. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa để giúp cho phục hồi và tiếp tục phát triển trong năm 2024. Thực tế cho thấy năm 2023 và những năm trước đó, trong bối cảnh khó khăn, chính sách tài khóa đã có những kết quả khá tốt, giúp giữ được các cân đối ngân sách một cách ổn định và có các chính sách về tiết kiệm. Điển hình như 2021 đã tiết kiệm được đến 190 nghìn tỷ để phục vụ cho quá trình đầu tư trở lại. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp chưa đạt được mục tiêu. Vì vậy chúng ta cần xem xét lại để xuất chính sách có hiệu lực và khả thi hơn.
Ông Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, chính sách đầu tư công đã đến lúc phải thay đổi phương thức. Không nên cứ mãi thực hiện theo phương thức mang tính truyền thống mà cần phải có chính sách mới như đặt hàng các tập đoàn lớn để tạo ra các sản phẩm công chứ không phải đi lập các dự án như hiện nay. Nếu chúng ta thực hiện được các chính sách về đặt hàng lớn thì, không chỉ có được các công trình đầu công nhanh mà còn tạo ra được các ngành, các lĩnh vực phát triển của đất nước.
Đại biểu Đinh Tiến Dũng (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến các giải pháp để phá vỡ hai điểm nghẽn để khơi thông thị trường tín dụng và tài chính hiện nay liên quan đến ngân hàng thừa vốn nhưng không thể cho vay do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế yếu; Đồng thời với đó cần có tư duy chính sách đột phá để phá băng thị trường bất động sản để góp phần khơi thông thị trường vốn. Đại biểu Đinh Tiến Dũng cho rằng nếu giải quyết được những khó khăn hiện nay, sẽ không chỉ kích thích được thị trường này phát triển mà giải quyết khó khăn cho hàng loạt lĩnh vực khác là nguyên vật liệu, tạo thêm công ăn việc làm, … và sẽ lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thúc đẩy ổn định vĩ mô. Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, Chính phủ đã rất nhiều quyết sách, chủ trương về vấn đề này nhưng hiệu quả, hiệu lực thực sự vẫn còn hạn chế vì các vướng mắc chủ yếu hiện nay liên quan đến Luật Đất đai. Vì vậy, Quốc hội cần thực hiện ngay Chương trình giám sát tổng thể và ban hành nghị quyết để tháo gỡ vấn đề này. Đặc biệt là các dự án bất động sản "bất động" nhiều năm nay, vừa lãng phí nguồn lực xã hội, vừa lãng phí nguồn lực nhà nước, vừa gây bức xúc cho nhân dân…
Thu ngân sách giảm do sản xuất - kinh doanh khó khăn |
Tăng sức bền cho ngân sách
Chia sẻ một số băn khoăn liên quan đến lĩnh vực ngân sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) lưu ý, tỷ lệ huy động vào NSNN ngày một giảm. Năm 2023 chỉ đạt 15,7 % - thấp hơn so với quy định tại Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm. Về tính bền vững của thu ngân sách, mặc dù năm 2023 thu ngân sách hoàn thành dự toán đặt ra và đây cũng là cố gắng quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tăng thu từ sản xuất kinh doanh cũng rất chừng mực, số thu chủ yếu đến từ chênh lệch thu - chi ngân hàng; bên cạnh đó những số thu trước đây vẫn mang tính ổn định thì năm 2023 lại đạt rất thấp như thu từ sử dụng đất.
Qua giám sát, rất nhiều địa phương băn khoăn về chính sách miễn, giảm thuế. Trong cả năm 2023 số thu giảm do giảm thuế là 75.000 tỷ đồng, con số này một mặt thể hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mặt khác nó cũng tác động rất lớn đến số thu của các địa phương. Dưới góc độ thông lệ quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động bởi chính sách miễn, giảm thuế rất lớn. Trong khi về nguyên tắc thuế là trung lập và không chịu tác động bởi những chính sách xã hội. “Tại những thời điểm nhất định có thể việc giảm thuế là cần thiết, nhưng chúng ta phải đánh giá được hiệu quả của việc giảm thuế để tiến tới phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính trung lập của thuế và việc miễn, giảm thuế cũng nên hạn chế mức tối đa”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho biết, Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị đã khẳng định rất rõ cần tăng cường hơn nữa vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW). Bộ Chính trị cũng đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án tăng cường vai trò chủ đạo của NSTW. Tuy nhiên đến nay Chính phủ cũng chưa triển khai được nghị quyết này. Trên thực tế trong rất nhiều tình huống, vai trò chủ đạo của NSTW đã không được đảm bảo. Vì vậy bà đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa và sớm triển khai nghị quyết của Đảng về vấn đề này.
Về nợ công, đại biểu cho rằng, kết quả Chính phủ đạt được rất đáng trân trọng. Tuy nhiên cũng vẫn còn những điểm hết sức lưu ý là trong năm 2023, dự kiến vay trả nợ gốc NSTW chiếm tỷ lệ 32,25% - mức cao trong cơ cấu tổng mức vay dự kiến 589.000 tỷ đồng. Thứ nữa là lãi suất phát hành trái phiếu cũng đã tăng so với năm 2022. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng nguồn lực vay ODA. Qua giám sát, rất nhiều địa phương băn khoăn vì thủ tục triển khai phức tạp, việc giải ngân vốn ODA vẫn là “điểm tối nhất” trong bức tranh về đầu tư công…