Cần chính sách nuôi dưỡng “sếu đầu đàn”
64% doanh nghiệp chưa chuẩn bị cho chuyển đổi xanh Thu hút, giữ chân các nhà đầu tư lớn trong lâu dài |
Phát triển các doanh nghiệp dẫn dắt
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, hiện Việt Nam đã có một số doanh nghiệp “sếu đầu đàn” như Vingroup, THACO, Hòa Phát… có khả năng dẫn dắt nền kinh tế. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn hạn chế, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của nền kinh tế. Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp của nước ta hiện đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 22-23% GDP, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10%...
Theo ông Vũ Văn Khoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), ở nhiều lĩnh vực khác, chúng ta cũng chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để làm “đầu tàu”. Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ đang xử lý công nghệ nền, chưa có khả năng tự chủ công nghiệp, công nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. Ông Khoa nêu dẫn chứng trong các chương trình dự án về năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, đường cao tốc... chúng ta đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Do vậy, giá trị thặng dư rất ít, hàm lượng công nghệ mang lại cũng không cao. Hoặc trong các dự án dự kiến đầu tư thời gian tới ở một số lĩnh vực như năng lượng (điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh...); hạ tầng giao thông (đường sắt tốc độ cao...), doanh nghiệp nội địa chỉ làm được những việc đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp.
Cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp "sếu đầu đàn" có thể dẫn dắt tăng trưởng,vươn tầm quốc tế |
Cần chính sách dài hơi để phát triển
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc thúc đẩy thị trường và hỗ trợ tài chính, Việt Nam cần xây dựng các chính sách dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp nội địa phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, bao gồm nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D) và chuyển giao công nghệ.
Để nền kinh tế phát triển, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá, chúng ta cần những trụ cột dẫn dắt. Muốn xây dựng được trụ cột thì nền tảng doanh nghiệp cần phải vững, muốn nền tảng vững thì phải tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp. Đây là yêu cầu sống còn, giúp cho các trụ cột lớn mạnh. Ngoài ra, theo ông Thiên, cũng cần phải tập trung nguồn lực quốc gia cho một số tập đoàn lớn để dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam. Để làm được điều đó cần có các chiến lược lớn, trong đó, chiến lược về công nghiệp cần thay đổi, đi vào trọng tâm của từng ngành, từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực.
Ông Thiên nhấn mạnh, cần hơn nữa những chính sách hiệu quả, tạo ra các chuỗi công nghiệp do người Việt Nam đứng đầu. Đồng thời, cần tạo cơ hội, chính sách để doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để có thể tạo ra những “sếu đầu đàn” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cần phải tập trung nguồn lực quốc gia cho một số tập đoàn lớn để dẫn dắt nền kinh tế. Để làm được điều đó cần có các chiến lược lớn, trong đó, chiến lược về công nghiệp cần thay đổi, đi vào trọng tâm của từng ngành, từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp cho rằng, cần tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng. Khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả. Đồng thời rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà; có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân; khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông cũng lưu ý, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành từ 6 năm trước, nhưng đến nay chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho hay, để có một ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, tạo ra những trụ cột thì cần nhiều yếu tố. Trong đó, Nhà nước, cần tăng cường niềm tin đối với doanh nghiệp Việt Nam, giao những dự án lớn mà doanh nghiệp có đủ năng lực thực thi, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, để xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt thì cũng phải dần hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Về phía doanh nghiệp, cần đặc biệt lưu tâm vấn đề nguồn nhân lực. Bên cạnh cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp cần chủ động các kế hoạch để nắm bắt cơ hội, trở thành những trụ cột phát triển của đất nước, vươn tầm thế giới.
Điều này cũng giúp hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bao gồm Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách đột phá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dân tộc có quy mô lớn, đóng vai trò then chốt trong các ngành kinh tế trọng điểm và trong chuỗi cung ứng toàn cầu.