Cần chính sách thích ứng nhanh với Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu
Doanh nghiệp lớn chịu tác động, thu hút đầu tư sẽ bị ảnh hưởng
Ngày 20/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc họp với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các hiệp hội doanh nghiệp về vấn đề này. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dưới góc độ quản lý nhà nước về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định việc thực thi Quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ có những tác động trực tiếp tới môi trường đầu tư; đồng thời, tạo ra những thách thức mới trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới.
Việt Nam đang thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thông qua các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng nhất.
Khi GMT được áp dụng thì hầu hết các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng (miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15%) sẽ không còn giá trị đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu GMT. Điều này dẫn đến chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
“Vấn đề đặt ra là nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng GMT cũng vẫn phải nộp thuế bổ sung tại nước khác. Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư như thế nào để tương thích với GMT và ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Việt Nam, bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút và bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Cũng theo bà Ngọc, chính sách nhất quán của Việt Nam trong suốt gần 35 năm mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có tính tiên lượng cao. Trong khi đó, thời gian áp dụng Quy tắc GMT cũng đang đến gần, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu chính sách và các giải pháp khi Quy tắc này được thực thi rộng rãi (dự kiến sẽ có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu vào năm 2024).
Hài hoà lợi ích, ổn định môi trường đầu tư
Tại hội nghị, ông Hong Sun – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nêu vấn đề: “Việt Nam đang áp dụng ưu đãi về thuế doanh nghiệp như miễn/giảm thuế nhằm thu hút đầu tư. Khi thực hiện GMT và căn cứ theo quy định của Hàn Quốc thì các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm ở Việt Nam về Hàn Quốc”.
Chủ tịch KoCham cho biết vào ngày 31/12/2022, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật sửa đổi liên quan đến Thuế quốc tế bao gồm quy định về GMT và dự định áp dụng chính thức từ 1/1/2024.
Như vậy, theo ông Hong Sun, “các nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng, do thuế tăng, các chi phí đầu tư bị tăng lên cao sẽ tác động xấu đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần giảm thiểu tối đa các tác động của GMT bằng cách đưa ra chính sách, giải pháp phù hợp để duy trì năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài”.
Từ góc nhìn của các nhà đầu tư châu Âu – khu vực có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu lớn và ngay lập tức chịu tác động khi GMT được thực thi, ông Nguyễn Hải Minh - Phó chủ tịch EuroCham cho rằng: “Các doanh nghiệp xác định đây là cuộc chơi hoàn cầu phải tuân theo. Vấn đề là chính sách của Việt Nam sẽ thế nào, các ưu đãi đầu tư có thay đổi không, và doanh nghiệp phải biết sẽ phải nộp thuế bổ sung ở đâu và như thế nào”.
Các đại diện đến từ JETRO, AmCham, JCCI và các tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn, Canon… cũng đưa ra các góc nhìn khác nhau về tác động của GMT đến môi trường đầu tư của Việt Nam, đến hoạt động kinh doanh của các tập đoàn cũng như các nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất kinh doanh của họ. Từ đó đề xuất Việt Nam cần nhanh, quyết liệt và cụ thể hơn trong các chính sách và giải pháp liên quan đến tuân thủ GMT để các nhà đầu tư yên tâm.
Đánh giá cao các đề xuất, khuyến nghị đưa ra tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, có 3 nhóm vấn đề lớn liên quan đến GMT cần giải quyết: Điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư thế nào để thích ứng với GMT nhưng vẫn tạo được môi trường đầu tư cạnh tranh; Các giải pháp nào cho các doanh nghiệp là đối tượng của GMT ngay khi Quy tắc này được áp dụng tới đây, như có nên thu thuế bổ sung hay không và nếu thu bổ sung thì có biện pháp gì để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư nhưng phù hợp với cam kết quốc tế; Nhìn rộng và lâu dài hơn tới các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với quy mô doanh thu ở mức phải tuân thủ theo GMT.
Trên tinh thần đó Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc áp dụng các biện pháp kịp thời và phù hợp để: (i) góp phần hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư; (ii) giữ gìn hình ảnh ổn định của môi trường đầu tư của Việt Nam; (iii) khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam; (iv) tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.